Tăng phí, thu 60 tỷ đồng mỗi năm
Ngày 1/3, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố”.
Đề án tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là một trong 21 nội dung,đề án của UBND TPHCM triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM |
Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có gần 2.800 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm). Năm 2017, thành phố thu được 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m3/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m3/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không nộp phí là không công bằng.
PGS.TS Phạm Thành Hổ cho rằng cách tính phí của đề án là cào bằng, tính phí theo lượng nước tiêu thụ là không hợp lý |
Do đó, dự thảo đề án đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp. Ngoài ra, đề án cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả nước thải ô nhiễm.
Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm thì nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên thì sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng xả thải (K = lưu lượng xả thải/ngày đêm chia cho 5). Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.
Dự kiến, với cách tính phí mới và số cơ sở, doanh nghiệp đóng phí là 3.310 thì mỗi năm thành phố thu về 60 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Mức thu không công bằng, doanh nghiệp lo thiếu tiền đóng phí
Phản biện lại nội dung đề xuất trong dự thảo, đại biểu Tống Hữu Châu - Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TPHCM – cho rằng cần xem xét lại việc đưa cơ sở y tế, khám chữa bệnh vào diện đóng phí.
Theo ông, trước đây thành phố yêu cầu các bệnh viện lớn xây dựng hệ thống xử lý rồi. Vì vậy, thành phố nên có chủ trương bắt buộc các cơ sở y tế (nếu chưa có hệ thống xử lý nước thải) phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải trong quý 3 hoặc cuối năm 2018. “Trường hợp không xây dựng thì phải đóng cửa”, ông Châu đề nghị.
Ông Trần Thanh Hồng cho rằng dự thảo đề án không cẩn thận, tính toán phù hợp sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp |
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thành Hổ - ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (nguyên chủ nhiệm khoa Sinh học ĐH Tổng hợp TPHCM) - cho biết: “Cách tính phí của mình là cào bằng, cứ lấy khối lượng nước mà tính, chứ không tính cái nào độc hại nặng, chất nào nguy hiểm. Mấy cơ sở dệt nhuộm, bắt buộc phải xử lý trước khi thải ra môi trường chứ không phải tính phí theo lượng nước tiêu thụ. Không thể cào bằng như thế”.
Theo TS Hổ, đề án đánh giá từng loại chất thải, phân biệt rõ ràng, những loại chất rất độc không được ra môi trường mà xử lý ngay trong cơ sở.
TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh rằng dự thảo đề án không nhằm tăng nguồn thu mà điều chỉnh hành vi xả thải |
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học KHXHNV TPHCM băn khoăn về số lượng cơ sở nằm trong diện “nháy nháy” phải nộp phí xả thải. Theo ông, cần xác định rõ các đối tượng cụ thể và đưa ra mức phí phù hợp cho từng loại đối tượng. Cách thức tổ chức thu để đảm bảo minh bạch nguồn phí, lộ trình thực hiện.
“Dự thảo khi thực hiện không nhằm mục đích tăng thêm nguồn thu mà nhằm điều chỉnh hành vi, ý thức từng cá nhân, đơn vị doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường thành phố”, TS Vũ nhấn mạnh.
Vể phía doanh nghiệp, ông Vũ Anh Minh – đại diện công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - cho rằng, đối với cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống mà nước thải đầu ra không đạt chuẩn đều bị áp dụng chung khung mức độ ô nhiễm của ngành đặc thù là không công bằng.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng nên tính phí dựa trên mức độ gây ô nhiễm chứ không tính theo lưu lượng nước xả thải |
Thống nhất ý kiến của ông Minh, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng không nên đánh đồng hệ số K và nên xem mức độ ô nhiễm để đánh giá. Một nơi có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với một nơi có hệ thống nhưng xả thải không đạt tiêu chuẩn nếu đóng phí giống nhau thì không công bằng.
“Phải tính mức độ nguy hiểm ẩn trong hệ số K. Những đơn vị nào hàm lượng nước xả thải ra ít nhưng gây ô nhiễm nhiều thì lúc đó phải tính trên mức ô nhiễm chứ không phải tính theo hàm lượng nước”, ông Sơn nói.
Còn bà Lê Bích Loan (Ban quản lý Khu công nghệ cao TP) cho rằng nói thu phí để doanh nghiệp tiết kiệm nước là không thuyết phục mà cần phải khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tiết kiệm nước. Nếu tính theo hệ số K thì doanh nghiệp đóng thêm gần 1,6 tỷ/ năm, gấp 150 lần hiện nay là rất cao. “Doanh nghiệp lấy tiền đâu mà nộp”, bà Loan nói.
Bà Lê Bích Loan cho rằng với cách tính phí mới thì doanh nghiệp không có tiền đóng phí |
Ông Trần Thanh Hồng (đại diện KCX Tân Thuận), cho rằng làm dự thảo đề án cần dẫn chứng số liệu cụ thể, rõ ràng và không đánh đồng như nhau. Còn dự thảo đề án này, không cẩn thận sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí