Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: "Bán hết vốn Nhà nước, nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu?" |
Trong phiên thảo luận ở Tổ sáng nay, ngày 24.10, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, ĐBQH đoàn Nghệ An đã chỉ ra một số mặt hạn chế của nền kinh tế, trong đó có bao gồm cả những vấn đề về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như điều hành đầu tư công.
"Về điều hành đầu tư công, ngay khoản trái phiếu Chính phủ, chúng ta phát hành 148 nghìn tỷ đồng nhưng giải ngân có 7%, nếu phát hành được hết chỗ này sẽ tháo nút thắt của nền kinh tế, và tăng trưởng GDP phải khác, công ăn việc làm tạo ra và các vấn đề chung của nền kinh tế phải khác", ông nói.
Nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu?
Ông cũng chỉ ra nghịch lý rằng, trong khi trái phiếu Chính phủ phát hành ra phải chịu lãi suất 6,2%/năm nhưng không giải ngân được nên Kho bạc Nhà nước lại mang đi gửi ngân hàng, chỉ làm lợi cho Kho bạc Nhà nước mà không phải làm lợi cho nền kinh tế.
Lo ngại về tình hình tài chính quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói: "Nền tài chính chúng tôi thấy không được bền vững, sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên, tiêu dùng cũng là khó".
"Nhiệm kỳ này có 260 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước nhưng nhìn vào cân đối tài chính quốc gia, riêng trả lãi và gốc đã lên tới 98 nghìn tỷ, tăng 12% so với các năm. Ngoài ra còn 160 nghìn tỷ đồng tài sản ngoại bảng vay đảo nợ. Mà vay đảo nợ không khả thi đối với một nền kinh tế, giống như một hộ gia đình đến hạn trả nợ mà phải vay người này trả cho người khác", ông cho biết.
Ông Phớc cũng nhấn mạnh: "Cộng khoản chi trả nợ và đảo nợ đã chiếm 67% chi đầu tư phát triển, không biết các nhà kinh tế sẽ phải tính toán thế nào để phát triển được doanh nghiệp, tăng sức sống của nền kinh tế để có thu bù chi. Trong tương lai tôi cho rằng càng khó".
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, đối với cân đối ngân sách, trước tiên phải giải quyết được nợ công, đặc biệt là nợ quá hạn, nếu không sẽ để lại gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Tiếp đó là phải giải quyết được vấn đề về hụt thu ngân sách, nợ đọng thuế, bội chi ngân sách trung ương tăng cao hơn dự toán.
"Nếu nợ công của chúng ta không giảm đi thì nền tài chính không bền vững được, nền kinh tế không lành mạnh được. Bây giờ phải giải quyết nợ công, nhất là nợ quá hạn, còn cứ đảo nợ thì không tăng trưởng được", ông khẳng định. Bên cạnh đó, người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, cần phải xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém một cách dứt điểm, nếu không thì "hàng chục nghìn tỷ cứ ra đi".
Nội sinh của nền kinh tế không thực sự mạnh
Dù GDP quý III tăng đột biến, kéo theo tăng trưởng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm, nhưng ông Phớc bày tỏ lo ngại nền kinh tế tiềm ẩn rủi ro vì tính bền vững và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế không thực sự mạnh.
“GDP quý 3 tăng đột biến chủ yếu là tăng từ thu hút đầu tư FDI, trong đó có 2 đầu tàu Formosa và Samsung, nên nếu có rủi ro về môi trường hay rủi ro về sản phẩm thì chắc chắn nền kinh tế không bền vững. Trong khi đó, chúng ta đạt tăng trưởng cao trong du lịch, dịch vụ và FDI nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nỗ lực của người dân và doanh nghiệp", ông chỉ rõ.
Đồng thời nhắc đến thực tế khiến nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro bao hàm cả khối DNNN thua lỗ, giải ngân vốn đầu tư chậm, bội chi ngân sách của địa phương giảm nhưng của trung ương lại tăng lên, việc xử lý doanh nghiệp yếu kém gần như dậm chân tại chỗ.
“Đến thời điểm hiện tại không phải chỉ 12 dự án yếu kém, thua lỗ nữa mà hơn 40 dự án rồi”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Một hạn chế nữa được chỉ ra là tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều FDI nên nếu các "ông lớn" có vấn đề là nền kinh tế bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tăng trưởng dựa vào khai khoáng sẽ chỉ giải quyết được vấn đề về tăng trưởng mà lợi ích đất nước thì không ổn.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí