Giáo dục

Thi tuyển sinh lớp 10: Cha mẹ nhắm cao, con áp lực

Bước vào học kì 2, học sinh lớp 9 bắt đầu chạy nước rút với kì thi tuyển sinh 10. Hầu hết các em đã định hình trường để mình thi tuyển. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại can thiệp quá sâu vào sự lựa chọn của con. Nhiều phụ huynh vì nhắm cao mà đang tạo áp lực cho chính con mình.

Người ta nói thi tuyển sinh lớp 10 bây giờ khó hơn thi đại học quả chẳng sai. Bởi thi đại học không vào trường này thì trường khác, năm nay không đậu sang năm thi tiếp. Còn thi tuyển 10, nếu không đậu, các em buộc phải về trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Mà môi trường ở các trường này không thể nào bằng được các trường công lập. Ngoài học phí cao thì cái chính vẫn là nếp học ở các trường này khiến phụ huynh không an tâm. Ngoài ra tính sĩ diện cũng khiến nhiều phụ huynh không muốn cho con học dân lập. Do đó mà kì thi tuyển sinh 10 trở nên nặng nề, áp lực. Nhiều em bị áp lực, căng thẳng nặng nề khi kì thi chuẩn bị diễn ra.

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2017. (ảnh minh họa)

Năm nay, cũng như ở nhiều địa phương trong cả nước, không khí kì thi tuyển sinh 10 ở một số trường Tây Ninh khá “nóng”. Lí do là lượng học sinh tuổi Quý Mùi (sinh năm 2003) tăng đột biến. Bên cạnh đó phụ huynh lại nghe thông tin bỏ điểm ưu tiên. Như vậy để có một suất học ở các trường công lập uy tín như trường chuyên Hoàng Lê Kha, THPT Tây Ninh, Trần Đại Nghĩa (thành phố Tây Ninh) hay trường Lý Thường Kiệt (Hòa Thành) xem ra cũng khá vất vả. Tỉ lệ “chọi” ở các trường này luôn cao. Hầu hết học sinh ở khu vực thành phố, Châu Thành, Hòa Thành đều nộp đơn về các trường trên. Học sinh giỏi thì đa số nguyện vọng 1 là trường chuyên Hoàng Lê Kha. Riêng các em học lực trung bình - khá còn nhiều cơ hội học ở trường công lập huyện nhưng lại không nộp đơn. Thành thử cuối cùng các em mất cơ hội học ở trường công.

Năm nay kế hoạch tuyển sinh lớp 10 ở Tây Ninh cũng diễn ra như mọi năm. Các em không chuyên sẽ phải thi 3 môn Văn - Toán - Anh. Riêng những em thi chuyên thì thêm môn chuyên. Điểm cuối cùng sẽ là kết quả của điểm THCS, điểm thi và điểm cộng.

Chị Ngô Thị Ca (nhà ở Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) tâm sự: “Năm nay con gái thi tuyển 10. Hai vợ chồng chị đều ao ước con gái đậu chuyên Anh. Bản thân là giáo viên nên chị cũng hay tạo áp lực cho con. Nhìn con vất vả chạy đua học thêm suốt ngày mà thương vô cùng. Nhưng vì tương lai của con, chị chỉ biết động viên con cố gắng.”

Một bà mẹ khác ở huyện Châu Thành (Tây Ninh) cũng cảm thấy khá lo lắng cho kì thi tuyển 10 của con gái. Chị cho biết: “Vừa qua con gái chị đạt giải Nhì môn Ngữ Văn vòng huyện, hiện cháu đang bỗi dưỡng để tiếp tục thi vòng tỉnh. Thực tế cháu chỉ muốn thi vào Trần Đại Nghĩa (thành phố Tây Ninh), nhưng chị cứ muốn con thi chuyên Văn. Chị cho rằng môi trường ở lớp chuyên tốt, vào đó chị sẽ an tâm hơn. Con bé sức khỏe không tốt vậy mà suốt ngày cứ cắm cúi hết học ở nhà đến học ở trường rồi học thêm. Chẳng biết con có đậu chuyên không? Dạo gần đây con bé luôn tỏ ra mệt mỏi. Xót con gái, chồng chị không ngừng chì chiết vợ.”

Thông thường cha mẹ luôn mong muốn con mình đậu trường công. Đặc biệt là những trường tốp đầu. Rất nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc để đầu tư cho con. Dẫu biết sức học thật của con mình còn nhiều hạn chế. Nhưng vì sĩ diện, vì lo lắng cho tương lai của con mà cứ ép con cố gắng. Nhiều em trượt trường công cũng vì áp lực chọn trường theo ý ba mẹ.

Cô Đinh Thị Thanh Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 trường THCS Thái Bình (huyện Châu Thành, Tây Ninh) tâm sự: “Năm nào nhà trường cũng mời họp phụ huynh trước khi các em nộp hồ sơ. Mặc dù ngày họp các giáo viên dạy Văn, Toán, Anh tư vấn cho phụ huynh khá kĩ nhưng họ đều không nghe. Đa số phụ huynh mong muốn con vào được các trường uy tín. Nhiều em đã trượt oan vì đăng kí trường theo ý ba mẹ. Thành thử các em mất cơ hội vào trường công lập. Đây là một điều đáng tiếc.”

Chỉ còn vài tháng nữa là các em bước vào kì thi tuyển sinh 10. Hãy cùng con đồng hành để bước vào chặng đua mới. Phụ huynh nên căn cứ vào sức học thật của con mình mà chọn trường cho phù hợp. Đừng quá tạo áp lực cho con, nếu không nhiều khi sẽ có tác dụng ngược lại.

Tác giả: Loát Trần

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP