Kinh tế

Thị trường lao động năm 2019: Gia tăng hàng nghìn việc làm mới

Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích về xuất khẩu, gia tăng tiềm năng thu hút vốn FDI, từ đó sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Thị trường lao động năm 2019 được dự báo sẽ thuận lợi cho cả nhóm lao động có kỹ năng và lao động phổ thông.

lao động

Phỏng vấn tuyển lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, ngay sau Tết Nguyên đán những tín hiệu vui về nhu cầu tuyển dụng sẽ đến với người lao động.

Nhu cầu tuyển dụng tăng

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) dự báo, năm 2019 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ, chất lượng lao động được nâng cao.

Trong năm 2019 khoảng 56 triệu lao động sẽ có việc làm. Xét theo các nhóm nghề nghiệp, lao động giản đơn vẫn chiếm 26,5%, nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật chiếm 31,6%, thợ kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị chiếm 12,4%, thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật chiếm 12,4%...

Theo ông Trung, kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018 cho thấy kế hoạch tuyển dụng năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự gia tăng, trong đó cao nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang diễn ra mạnh mẽ, tác động nhất định đến thị trường lao động Việt Nam. Đặc biệt, một số ngành như ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ nhanh, khiến nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao,” ông Trung nói.

Ngoài ra, việc tuyển dụng lao động của một số ngành nghề cũng sẽ gặp khó khăn do khan hiếm nguồn nhân lực như nghề kỹ thuật viên in ấn, thợ lắp ráp vận hành máy móc, kỹ thuật thủy lợi, kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ học, cơ khí, thợ chế biến thực phẩm và các thợ khác có liên quan.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam cũng dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2019. Một khảo sát của VietnamWorks cho thấy, có 74% nhà tuyển dụng cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên, trong đó, 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%

“Theo dự báo của VietnamWorks, danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: Tài chính/đầu tư, bán hàng, hành chính/thư ký, kế toán, IT/phần mềm, marketing, chăm sóc khách hàng, kiểm toán, internet/online media và xây dựng,” ông Gaku Echizenya nói.

Cơ hội việc làm từ thu hút FDI

Sau Tết Nguyên đán, các chuyên gia dự đoán lĩnh vực điện tử tiêu dùng, bất động sản, nông nghiệp sẽ tăng về nhu cầu tuyển dụng do một số công ty sẽ vào thị trường Việt Nam, tăng dòng vốn FDI. Đây là cơ hội việc làm lớn cho người lao động.

Hiện tại, động lực thu hút FDI tới Việt Nam chủ yếu đến từ hai xu hướng gồm dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ chính thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.

lao động

Nhu cầu tuyển dụng năm 2019 sẽ tiếp tục tăng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sự gia tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2019, ông Gaku Echizenya cho rằng nhu cầu nhân sự cấp trung và cấp cao trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là may mặc, dệt may, da giày, điện tử…

Thực tế, kết quả khảo sát của VietnamWorks cho thấy, các doanh nghiệp phía Bắc đều có nhu cầu mở rộng quy mô. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực điện/điện tử tại Hải Phòng và Bắc Ninh trong quý 4/2018 đều có kế hoạch mở rộng quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất mới cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2019.

Theo các chuyên gia, trước làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, mảng sản xuất điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc các vị trí như: Quản lý nhà máy, giám sát, cấp quản lý và trợ lý cho khối văn phòng.

Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh hơn. Đồng thời, ngành dệt may Việt Nam vẫn có lợi thế về mức giá nhân công cạnh tranh nên sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI mạnh mẽ hơn, từ đó nhiều làm mới sẽ được tạo ra.

Nhận định về cơ hội việc làm của lao động Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng, thị trường lao động ngày càng trở nên năng động hơn, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc. Các công việc mới được tạo ra là kết quả của việc tăng cường sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các tập đoàn và áp dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, đặc biệt là xu thế áp dụng “công nghiệp 4.0.”

Trong năm 2019, những kết quả dự báo đều cho thấy hàng nghìn cơ hội việc làm không chỉ với lao động phổ thông mà còn cả với lao động có chuyên môn, kỹ năng. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này lao động phải xác định học tập thường xuyên, liên tục, có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động, giữ được việc làm và thu nhập ổn định./.

Tác giả: HỒNG KIỀU

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP