Giáo dục

Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học giảm: Ồ ạt ngành mới, lại lo bão hòa

Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường tự chủ mở ngành học nhằm thu hút người học, được xã hội hưởng ứng. Tuy nhiên, cùng đó là lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như càng làm nặng thêm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký tuyển sinh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Cho đến nay, sau gần 2 năm Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chủ mở ngành học, nhiều trường mở mới đến hàng chục ngành đào tạo, từ bậc ĐH cho đến đào tạo thạc sĩ. Chủ trương này nhằm thu hút người học cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội. Dẫu thế, nhiều người đang không khỏi lo ngại về sự hỗn loạn trong mở ngành và chất lượng đào tạo.

Cơ chế giao tuyền tự chủ cho các trường ĐH thời gian qua đã dẫn đến thực tế là các trường được chủ động mở ngành mà không cần đến quyết định của Bộ GD-ĐT. Kết quả, chỉ tính riêng năm 2016, các trường ĐH đã mở hơn 70 ngành mới theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017.

Mùa tuyển sinh 2018, các trường ĐH mở thêm nhiều ngành đào tạo mới để thu hút thí sinh (TS), cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong số các trường ĐH top trên, năm nay ĐHQG Hà Nội mở thêm ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Khoa học Thông tin Địa không gian, Sư phạm tiếng Đức, Quản trị trường học, Đông Nam Á…

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng mở tới 11 mã ngành đào tạo mới. Đại diện nhà trường cho hay: Trường có nhiều chuyên ngành được đào tạo đã 30 – 40 năm, vì thế, khi Bộ GD-ĐT có danh mục mã ngành cấp 4 mới, đã có 7 chuyên ngành tách ra thành ngành độc lập: Kinh tế phát triển, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý công, Khoa học quản lý… Nhà trường cũng mở một số ngành mới hoàn toàn như Logictics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử; cùng một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như Quản trị khởi nghiệp, Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro.

Đại diện Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, hiện nhà trường đang có 22 ngành đào tạo trình độ ĐH, thời gian tới sẽ phát triển 5 ngành nữa, trong đó tập trung vào một số mã ngành mang tính đặc thù của Hà Nội hiện giờ chưa có trong danh mục của Bộ GD-ĐT.

Năm 2018, Trường ĐH Kinh tế TP HCM mở 13 chuyên ngành đào tạo mới, trong đó chủ yếu là các ngành thiên về kinh tế như kinh tế học, kinh tế nông nghiệp, kinh tế quốc tế, quản trị khởi nghiệp, kinh doanh thương mại, quản trị truyền thông, kế toán công, thương mại điện tử...; Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng mở thêm 15 ngành mới, trong đó có cả các ngành: kiểm toán, marketing, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế, luật quốc tế…

Trước những băn khoăn của TS, về việc chọn trường, ngành mới mở hay ngành “hot” nhưng điểm trúng tuyển sẽ rất cao, PGS Bùi Đức Triệu– Trưởng phòng Quản lý đào tạo – ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra lời khuyên: TS nên chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích, niềm đam mê với trường, với ngành đào tạo đó. Còn TS Trần Đình Lý- Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM cho rằng, nếu các trường ĐH chưa đủ năng lực mà đào tạo (đặc biệt ngành cần năng lực chuyên sâu) thì đấy chính là bi kịch cho thị trường đào tạo nguồn nhân lực.

Phân tích từ các chuyên gia giáo dục cho rằng, khái niệm ngành “hot” đến từ 2 yếu tố: Một là, ngành thực sự quan trọng về nhu cầu thị trường lao động, nó có thật; hai là việc “tung hô” nhờ trợ giúp của công nghệ.

Trong danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ ĐH vừa được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018, hiện nay có 366 ngành đào tạo, tăng thêm 40% so với danh mục được ban hành năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, Bộ đã dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 161 chuyên ngành thạc sĩ; thu hồi quyết định đào tạo đối với 57 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 32 ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; cảnh cáo 207 ngành và dừng tuyển sinh đối với gần 100 ngành đào tạo trình độ đại học vì không duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình thực hiện.

Vì thế, cơ cấu nhân lực nên điều chỉnh theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc tự chủ là cần thiết, nhưng tự do mở ngành nghề thiếu định hướng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn ngành nghề đào tạo. Sau ra trường, sinh viên sẽ khó kiếm việc làm. Các trường ĐH được chủ động mở ngành nhưng nếu việc đào tạo không đảm bảo chất lượng, ắt hệ thống giáo dục ở bậc học này sẽ rất khó kiểm soát.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, để lựa chọn ngành nghề phù hợp, người học phải tìm hiểu kỹ thông tin. Nên lựa lựa chọn những địa chỉ đào tạo tốt, công khai, minh bạch về các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhất là tỉ lệ việc làm sau ra trường. Với những ngành học mới, người học háo hức, nhưng lại càng phải thận trọng với việc đảm bảo đầu ra.

Tác giả: Mạnh Dũng

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP