Giáo dục

Thêm cơ hội khi thi đánh giá năng lực

Ngày 26-3, 89.672 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 do ĐHQG TP HCM phối hợp cùng 47 trường ĐH, CĐ tổ chức

Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM sẽ đồng loạt diễn ra tại 86 điểm thi tại 21 tỉnh/thành, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Mọi việc đã sẵn sàng

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP HCM), cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi, ĐHQG đã tổ chức 3 buổi tập huấn đối với 47 trường cùng tham gia công tác thi. Ngoài ra, nội bộ từng trường cũng tập huấn cho cán bộ, giảng viên làm công tác thi.

Thí sinh thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP HCM đợt 1 năm 2022

Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các đề thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Xét về cấu trúc, đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở đề thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của đề thi TSA. Cụ thể, đề thi đánh giá năng lực đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. TS Nguyễn Quốc Chính cho biết thêm rằng đề thi đánh giá năng lực cung cấp nhiều dữ liệu nên thí sinh cần có khả năng phân tích, tổng hợp tốt. "Nội dung các câu hỏi trong ngân hàng đề thi cũng luôn được rà soát, hoàn thiện" - TS Nguyễn Quốc Chính cho biết thêm.

Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh có thêm cơ hội để xét tuyển (thí sinh vẫn được quyền đăng ký thêm các hình thức xét tuyển khác). Hiện có 87 trường ĐH, CĐ trong và ngoài ĐHQG TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Nhiều lựa chọn

Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM, ở TPHCM còn có thêm 3 trường ĐH tổ chức thi đánh giá năng lực như Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Sài Gòn.

Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với kết quả học THPT tạo nên một phương thức được xét tuyển sớm đối với thí sinh. Kỳ thi được tổ chức thi theo môn (toán, lý, hóa, sinh, văn, tiếng Anh), thí sinh đăng ký dự thi ít nhất một môn, trường sử dụng kết quả kỳ thi này (hệ số 2) kết hợp với kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển. GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt phục vụ cho 3 mục tiêu: Đánh giá năng lực học sinh trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; để học sinh tự đánh giá; xét tuyển ĐH với 20% chỉ tiêu. Năm nay, kỳ thi được tổ chức trong 3 ngày 26, 27 và 28-5. Hiện nay trường đã mở cổng cho học sinh đăng ký dự thi.

Mới đây, Trường ĐH Sài Gòn cũng công bố từ năm nay tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. TS Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH của trường là kỳ thi độc lập được tổ chức trên máy tính, với sự phối hợp về ngân hàng đề thi, phần mềm tổ chức thi từ ĐHQG TP HCM. Trường tổ chức thi 7 môn gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và tiếng Anh. Kỳ thi bắt đầu tổ chức từ tháng 4, gồm nhiều đợt. Thí sinh đăng ký dự thi theo môn và có thể đăng ký thi nhiều lần.

Trước đó, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đã công bố tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của trường diễn ra với 7 môn thi độc lập, gồm: Toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Thí sinh thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11). Là kỳ thi trên máy nên thí sinh thi xong là biết kết quả. Trường hợp thí sinh xét tuyển vào trường trong tổ hợp có môn văn sẽ sử dụng kết quả môn này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với 2 môn còn lại của kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sài Gòn hoặc Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức.

Lưu ý quan trọng

TS Nguyễn Quốc Chính lưu ý thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực nên đến điểm thi sớm hơn 1 hôm để biết biết cự ly đi lại, tránh nhầm địa chỉ và tránh kẹt xe. Khi đi thi, thí sinh cần mang theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, máy tính cầm tay, Atlat; thí sinh cần chuẩn bị tốt sức khỏe, tinh thần thoải mái...

Tác giả: Huy Lân

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP