Giáo dục

Tây Nguyên: Nhiều phòng học bỏ hoang

Trên địa bàn Tây Nguyên có nơi những điểm trường còn thiếu phòng để học, phải học ghép. Nhưng có nơi lại bỏ trống trường học và đa số các trường bỏ hoang này đều nằm ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Theo báo cáo từ các phòng GD&ĐT cấp huyện, ông Bùi Quang Tạo- Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 245 phòng học bị bỏ hoang. Nguyên nhân của việc này là kinh tế, giao thông phát triển nên hầu hết các phụ huynh muốn đưa con đến học ở trường trung tâm để học tập sinh hoạt tốt hơn.

Điểm Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang

Về hướng xử lý số phòng học bị bỏ hoang, ông Tạo cho biết các phòng GD&ĐT cấp huyện đã xin thanh lý 44 phòng học đã hết niên hạn sử dụng, bàn giao cho chính quyền 117 phòng để tổ chức các hoạt động phù với địa phương, tu sử để sử dụng làm phòng học mầm non 84 phòng.

“Với những điểm trường vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ví dụ như điểm trường Pyầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) thì cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí để hoạt động tốt hơn. Bởi những vùng này có địa hình hiểm trở, học sinh đến trường rất khó khăn, cần có giáo viên đến tận nơi giảng dạy. Việc ghép 2 lớp vào một phòng học tại những điểm trường vùng sâu vùng xa khiến chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng. Cần có hướng loại bỏ những điểm trường gần trung tâm thị trấn, thị xã bởi việc giao thông đã thuận lợi ”- Ông Tạo nói.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Gia Lai, trên địa bàn các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Kông Chro, Đắk Đoa không có phòng học nào bị bỏ hoang. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên tại địa bàn huyện Krông Pa cho thấy có 2 điểm trường bị bỏ hoang; thôn điểm 9 thuộc xã Uar có Điểm trường tiểu học xã Uar bị bỏ hoang, thôn Mê Linh thuộc xã Chư Drăng có Điểm trường mẫu giáo xã Chư Drăng bị bỏ hoang.

Về nội dung này, ông Tạo nói “Tỉnh Gia Lai có 2010 điểm trường, nên không thể đi cụ thể mà chỉ căn cứ vào báo cáo từ phòng GD&ĐT cấp huyện. Nội dung báo chí nêu chúng tôi sẽ cho người tiến hành xác minh lại. Việc duy trì hoạt động của những điểm trường hàng năm phải tốn nhiều kinh phí chứ không phải ít”.

Điểm trường tiểu học xã Uar bị bỏ hoang nhưng không nêu trong báo cáo

Tạ thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), người dân nơi đây phản ánh về ngôi trường THCS xây gần 3 tỉ đồng nhưng không có học sinh và giáo viên đến lớp. Trường có 8 phòng học, cao 2 tầng nhưng không co giáo viên nên khiến trường vắng bóng học sinh nhiều tháng qua. Ngôi trường này xây xong vào cuối năm 2016, rất khang trang, hiện đại, nhưng không có nhà vệ sinh và không có nước sinh hoạt, khu vực hành lang, cầu thang, dọc hành lang toàn bùn đất vương vãi khắp nơi, các phòng học đều được khóa cửa, bàn ghế và bảng viết vẫn còn rất mới.

Điểm trường THCS Cư Pui tại thôn Ea Lang

Ông Nguyễn Văn Tâm (Chủ tịch UBND xã Cư Pui) cho biết, Trường THCS tại thôn Ea Lang từ khi UBND huyện Krông Bông bàn giao cho địa phương quản lý lại chưa đủ các hạng mục của công trình và thiếu biên chế giáo viên, dẫn đến nhiều tháng nay điểm trường này vẫn không thể hoạt động. Là khu vực khó khăn của huyện nên xã Cư Pui được UBND tỉnh Đắk Lắk chọn làm địa phương triển khai Dự án Quy hoạch sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn huyện Krông Bông. Công trình trường THCS Cư Pui điểm Ea Lang, xây dựng từ tháng 10/2015 và hoàn thành tháng 10/2016.

Ông Tâm cho rằng, trường xây xong vào cuối năm 2016 nhưng đến nay, trường vẫn chưa đi vào hoạt động, thời điểm trường hoàn thành rơi vào giữa năm học 2016-2017 nên các em học sinh vẫn học tại trường THCS của xã. Để tránh sự xáo trộn, địa phương quyết định năm học 2017-2018, trường THCS tại thôn Ea Lang sẽ đi vào giảng dạy, đón hàng trăm học sinh tại 6 thôn trong xã đến trường.

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông – ông Huỳnh Bài cho biết, về phòng học sắp tới cân đối ngân sách để làm thêm các hạng mục đưa vào sử dụng. Một khó khăn không nhỏ là là vấn đề biên chế giáo viên, do không có chỉ tiêu nên không nhận thêm được, chờ luân chuyển và điều động.

Tác giả: Lê Nhuận

Nguồn tin: Báo Dân sinh

  Từ khóa: Tây Nguyên , phòng học , bỏ hoang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP