Giáo dục

Tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021, theo đó bậc tiểu học được học một số môn mới và hoạt động trải nghiệm mới nhưng được giảm thời lượng, đổi mới phương thức đánh giá. Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên từ nay đến khi áp dụng không còn nhiều thời gian nên nguồn lực cần được tập trung mạnh cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng bắt đầu từ lớp 1 vào năm học 2020-2021 ​

Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021; năm 2021-2022 thực hiện từ lớp 2 và lớp 6; năm 2022-2023 thực hiện từ lớp 3 và lớp 7 và lớp 10; năm 2023-2024 thực hiện lớp 4 và lớp 8, lớp 11; năm 2024-2025 thực hiện từ lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Trong chương trình mới, bậc tiểu học, học sinh sẽ được học các môn cụ thể gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1; Tự nhiên và Xã hội (lớp 1,2,3); Tin học và công nghệ (lớp 3,4,5); giáo dục thể chất; Nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) và hoạt động trải nghiệm. Trong đó, một số môn học được thiết kế theo các chủ đề như hoạt động trải nghiệm gắn liền với các nội dung giáo dục của địa phương. Các chủ đề này được thiết kế phù hợp với sở thích, năng lực của
học sinh.

Như vậy, so với chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, chương trình mới có ít môn học hơn do thực hiện tích hợp một số môn nhưng lại có thêm 2 môn mới là: Ngoại ngữ 1; Tin học và
Công nghệ.

Chương trình phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ ngày nên số lượng tiết học trong năm sẽ tăng lên. Qua quá trình học tập 2 buổi/ ngày, ngoài học trong chương trình, học sinh được giáo dục toàn diện, rèn luyện thân thể, tăng cường hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống…

Trả lời báo chí, ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, trong giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện vai trò giáo dục toàn diện và tích hợp. Trong đó, dạy học tích hợp nhằm giúp học sinh phát triển khả năng huy động kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết các vấn đề trong đời sống cũng như học tập.

Chuẩn bị giáo viên tốt nhất dạy lớp 1

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho rằng, chương trình đã thật sự giảm tải cả về thời lượng, học sinh tự chọn môn học, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, ông cũng nhận định, việc học 2 buổi/ ngày tạo điều kiện cho học sinh vui chơi, hoạt động nhiều hơn nhưng trên thực tế vẫn còn một số địa phương gặp khó về điều kiện cơ sở vật chất.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ chia sẻ, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc áp dụng đổi mới chương trình, địa phương đã tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong đó, cơ sở vật chất địa phương đã xây dựng bổ sung 436 phòng học, chuẩn bị hơn 5.500 máy tính để học sinh học Tin học, Ngoại ngữ. Cơ sở vật chất và đội ngũ đều thực hiện ưu tiên cho năm đổi mới đầu tiên, năm học 2020-2021 bắt đầu từ lớp 1.

Về đội ngũ, ông Tường cho biết, sau khi rà soát Phú Thọ thiếu hơn 1.000 giáo viên phổ thông, trong đó thiếu khoảng 800 giáo viên các môn văn hoá, tin học thiếu 268, tiếng Anh thiếu 218 giáo viên. Trong khi, nhu cầu tập trung thực hiện đổi mới từ lớp 1 trong năm tới dự kiến khoảng 1.100 lớp học trên 2.400 giáo viên. Ông Tường nói: “Hiện địa phương đã xây dựng hơn 800 giáo viên nòng cốt để triển khai áp dụng đổi mới chương trình năm 2020-2021, chuẩn bị bồi dưỡng giáo viên lớp 2, lớp 6 và các năm tiếp theo.

Tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/1/2019, ông Nguyễn Đình Vĩnh khi đó là Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, cần xây dựng các trung tâm tư vấn cho giáo viên, xây dựng kho dữ liệu trên tinh thần không cầm tay chỉ việc mà vướng ở đâu giáo viên sẽ chủ động trao đổi. Sau mỗi học kỳ, Bộ nên tổ chức hội nghị sơ kết, đúc rút kinh nghiệm để giải quyết các khó khăn cho năm học sau.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quôc có gần 1,2 triệu người, trong đó giáo viên bậc tiểu học là 395.848. Về đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từ cách đây 5 năm. Trong đó, đội ngũ cốt cán Bộ đã phối hợp với Sở và trường Sư phạm tổ chức các lớp bồi dưỡng, sau đó tiếp tục bồi dưỡng đại trà giáo viên các địa phương chủ yếu qua internet.

Tác giả: NGUYỄN HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP