Giáo dục

Tận thu sách giáo khoa: Chương trình phá sản vẫn bán sách

Ngoài bộ sách giáo khoa hiện hành, nhiều trường yêu cầu phụ huynh mua thêm nhiều loại sách. Dù không biết đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tham khảo nhưng phụ huynh vẫn phải mua

Tại TP HCM, phụ huynh nhiều trường ngỡ ngàng khi nhà trường thông báo phải mua thêm 4 quyển sách gồm "Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực" (tập 1, 2) và cuốn "Luyện tập tin học" (tập 1, 2). Cả 2 sách đều của NXB Giáo dục và giá thành đắt gấp nhiều lần so với sách giáo khoa (SGK).

Loạn sách tham khảo

Năm nay, con chị T. Dịu (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lên lớp 2. Trường vừa thông báo phụ huynh mua SGK trọn bộ, trong đó có quyển "Luyện tập tin học". "Từ lớp 1, con tôi cũng có học nhưng không nhớ rõ là quyển nào" - chị Dịu nói.

Một bà mẹ khác có con học lớp 6 tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) kể bắt đầu từ năm nay, con chị mới học sách tin học, còn cả bậc tiểu học không học môn này. Điều đáng nói là hiện nay, những loại sách tham khảo này mỗi trường dùng mỗi quyển khác nhau, có trường mỗi năm lại thay một loại sách.

Tin học thuộc chương trình môn tự chọn ở bậc tiểu học nên có trường thực hiện, có trường không. Với môn tăng cường này, thị trường sách tham khảo cũng muôn hình vạn trạng khiến phụ huynh hoang mang. Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đang sử dụng bộ sách "Vui cùng tin học". Theo cô Lâm Hồng Lãm Thúy, hiệu trưởng nhà trường, 2 môn tin học và ngoại ngữ có nhiều sách tham khảo từ nhiều nguồn nhưng trường chỉ sử dụng bộ sách được sở thẩm định, cho phép.

Thầy Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP HCM), cho hay trường có văn bản thông báo không mua thêm bất kỳ sách nào ngoài quy định của bộ và sở. Quan điểm của trường là tăng cường dạy kỹ năng cho trẻ, nếu nhiều sách quá thì rất tội học sinh.

Trước đó, từ năm học 2017-2018, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng với tình trạng tồn tại 3 bộ sách tin học cùng lúc ở cấp tiểu học. Tất cả đều của NXB Giáo dục. Cụ thể, 2 bộ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép sử dụng mang tên "Cùng học tin học" "Hướng dẫn học tin học". Đối với các trường học theo dự án Mô hình trường học mới (VNEN) thì sử dụng sách "Hướng dẫn học tin học lớp 3, 4, 5".

Các loại sách trở thành gánh nặng của phụ huynh, học sinh đầu năm họcẢnh: Hoàng Triều

Phụ huynh là nơi "bù lỗ?"

Một phụ huynh có con học tại trường tiểu học đóng tại quận Đống Đa, Hà Nội tỏ ra mệt mỏi với việc mua sách tin học cho con theo yêu cầu của nhà trường. Do không mua sách theo hệ thống nhà trường cho con nên khi giáo viên yêu cầu sách tin học, chị được nhà sách bán cho cuốn "Cùng học tin học" dành cho học sinh tiểu học quyển 2 (năm lớp 3 các học sinh học sách này quyển 1 - PV) và sách bài tập. Hai cuốn này đều do NXB Giáo dục phát hành. Tuy nhiên, khi học sinh mang sách đến lớp học, cô giáo cho biết không phải sách này mà phải là sách "Hướng dẫn học tin học lớp 4" do NXB Giáo dục phát hành, đây là sách của dự án VNEN.

"Nhiều phụ huynh trong lớp mua sách giống tôi cũng phải bỏ đi không dùng được, rất phí phạm" - phụ huynh này nói.

Chương trình VNEN đã "phá sản" ở nhiều nơi nhưng tại sao các trường học của Hà Nội lại đồng loạt đưa sách này nào trường học? Phải chăng có sự liên kết giữa NXB Giáo dục, nơi phát hành sách này và các phòng GD-ĐT, các trường để đưa sách vào nhà trường? "Phụ huynh chúng tôi liệu có là nơi "bù lỗ" cho việc phát hành những cuốn sách này vì nếu chương trình VNEN ở nhiều nơi phá sản thì việc phát hành sách sẽ gặp khó khăn" - phụ huynh này nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng các phụ huynh có thể mua sách ở bất cứ nơi nào, miễn là đủ cho học sinh. Ông cũng nhấn mạnh ngoài SGK, các sách khác là tài liệu tham khảo, không bắt buộc nên không thể bắt học sinh phải mua tới gần 30 đầu sách như trường hợp Báo Người Lao Động đã thông tin trong số ra ngày 10-9.

Ông cũng cho rằng việc làm này của các trường là vô cùng lãng phí cho xã hội, gây khó khăn cho các phụ huynh. Vài trăm ngàn đồng để mua thêm sách bên cạnh hàng chục khoản phải đóng đầu năm đối với nhiều gia đình thật sự là gánh nặng. "Bỏ hàng trăm ngàn đồng mua sách, mà sách ấy lại bỏ không dùng đến là điều không chấp nhận được" - TS Lâm nhấn mạnh.

Sở GD-ĐT không bắt buộc mua thêm sách

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định cuốn "Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực" và cuốn "Luyện tập tin học" nằm trong danh mục những tài liệu tham khảo đã được sở thẩm định, làm cơ sở cho giáo viên và phụ huynh chọn lọc. Đây không phải là tài liệu bắt buộc mà tùy thuộc nhu cầu của phụ huynh và nhà trường.

Ông Vinh cũng lưu ý với sách tin học, có những sách đã biên soạn cách đây rất lâu, đã lạc hậu và không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Do đó, những đầu sách mà sở thẩm định và cho phép các trường sử dụng là những sách cập nhật mới, làm định hướng cho phụ huynh chọn lọc. Tuy nhiên, một số ý kiến phụ huynh cho rằng nếu có chủ trương dùng sách mới vì sách cũ đã lạc hậu thì phải thông báo cho phụ huynh để không mua sách cũ. Đằng này phải mua thêm sách trong khi có những cuốn không dùng tới là một sự lãng phí.

Tác giả: Đặng Trinh - Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP