Giáo dục

Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: Xóa bỏ quyền lực “hờ” của Hội đồng trường

Việc sửa đổi Luật Giáo dục Đại học 2012 là nhằm khác phục hạn chế, bất cập về pháp luật với giáo dục đại học thời gian qua, hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học. Đặc biệt, sẽ xóa quy định quyền lực “hờ” của Hội đồng trường.

Theo Bộ GD&ĐT, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất sửa đổi 39 điều, bổ sung 2 điều tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn.

Đó là: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đại học; đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học. Đối với mỗi nhóm vấn đề đều có các phương án, giải pháp thực hiện; những tác động tích cực, tiêu cực từ mỗi phương án đều cũng đã được tính toán kỹ lưỡng.

Sửa đổi Luật Giáo dục để nâng chất lượng tiệm cận với quốc tế

Xóa bỏ “nhiệm kỳ của hội đồng trường theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng”

Luật Giáo dục Đại học năm 2012 đã xây dựng khung pháp lý khá hoàn chỉnh cho bộ máy quản trị cơ sở giáo dục đại học, có sự phân biệt quản trị cơ sở đại học công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hội đồng trường/hội đồng đại học ở trường công lập, dù được coi là cơ quan quyền lực nhưng lại không có quyền lực thực sự. Hội đồng trường không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng hoặc giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng) nên chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản cấp trên. Điều này dẫn đến hội đồng trường đóng vai trò tư vấn hơn là một hội đồng quyền lực.

Luật hiện hàng cũng chưa làm rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường. Việc triển khai quy định về hội đồng trường trong thực tế chưa phân định rõ được chức năng, quyền hạn của hội đồng trường với Ban giám hiệu.

Điều này làm cho hội đồng trường không có thực quyền và nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập không thành lập hội đồng trường cũng không bị chế tài gì, làm mất tính nghiêm minh của Luật pháp. Quy định “nhiệm kỳ của hội đồng trường …theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng” ngầm định rằng hiệu trưởng có quyền hạn cao hơn hội đồng trường là không phù hợp…

Đo dó, Dự thảo Luật sửa đổi hướng tới việc tạo ra đổi mới thực sự trong nhận thức, tư duy quản lý và phương thức quản trị giáo dục đại học; khắc phục những điểm bất cập. Đổi mới cơ chế quản trị, quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm giúp các cơ sở giáo dục đào tạo thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi về nguồn nhân lực có chất lượng trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo…

Cụ thể, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 7 điều nhằm đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Đối với các trường đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định để Hội đồng trường là hội đồng quyền lực, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ. Thành phần của Hội đồng trường cơ bản độc lập với bộ máy quản lý của hiệu trưởng, có các quyền của tổ chức quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường.

Đối với các trường tư thục, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu; bổ sung quy định về đại hội đồng cổ đông và ban kiểm soát để áp dụng những thiết chế quản trị đại học hiện đại, vận dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp. Các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, quy định cơ chế quản trị gần giống trường công lập tự chủ để tương đồng về cơ chế hoạt động và phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.

Xóa bỏ hình thức dạy chay, mở rộng công nhận văn bằng

Trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục Đại học 2012, việc triển khai các hoạt động đào tạo còn nhiều bất cập. Trong đó, chương trình đào tạo đại học còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, thiếu kỹ năng, xa rời thực tiễn khiến sinh viên không hứng thú học tập, ra trường khó tìm kiếm việc làm.

Chương trình đào tạo chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực đào tạo trong nước và quốc tế, gây khó khăn khi liên thông với các chương trình đào tạo ở nước ngoài hoặc công nhận văn bằng của Việt Nam ở các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Thêm và đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhiều trường đại học chỉ mang tính hình thức. Trên thực tiễn, sĩ số lớp đông nên việc thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục đại học khó khả thi.

Các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nhưng vẫn mang tính hình thức, chưa chú trọng chuẩn ngoại ngữ ngang với yêu cầu của các trường đại học trong khu vực; chưa có sự gắn kết chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động; chưa thực hiện sàng lọc mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo…

Do đó, việc thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học sẽ gồm 6 điều (33,34,35,36,37,38) nhằm thực hiện đổi mới để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với chuẩn quốc tế như chuẩn hóa hình thức đào tạo theo đúng thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy việc hợp tác về giáo dục và công nhận trình độ người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; thiết lập lại trật tự trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Mặt khác, những thay đổi này sẽ góp phần hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế trong liên kết đào tạo, đặt ra các điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo khi tự chủ liên kết đào tạo, thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung 18 điều nhằm đổi mới công tác quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học – nhiều nhất trong các nhóm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung lần này.

Đó là các điều: 4, 7, 8, 9, 11, 12, 14, 15, 39, 40, 42, 44, 48, 52, 68, 70, 72 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học trong điều kiện tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng và quản lý có hiệu quả giáo dục đại học, phù hợp với yêu cầu thực tế quản lý giáo dục đại học theo hướng giảm dần sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà nước sẽ quản lý ở tầm vĩ mô để điều tiết trong toàn hệ thống; các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hoạt động theo các điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng do pháp luật quy định.

Các quy định được sửa đổi, bổ sung tập trung vào quản lý hệ thống. Trong đó, sẽ có những điều giúp phân biệt các loại cơ sở trong hệ thống giáo dục đại học gồm: đại học quốc gia, đại học, trường đại học hoặc học viện với các tiêu chí đặc trưng rõ ràng.

Việc quy định phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt nam; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 19-NQ/TW…

Bên cạnh đó Luật cũng quy định rõ các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo và cấp văn bằng, kiểm định chất lượng… để các trường tự chủ thực hiện, yêu cầu minh bạch thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong giáo dục đại học .

Về kiểm định chất lượng, các quy định được hoàn thiện để tổ chức kiểm định chất lượng phải là tổ chức độc lập với các cơ sở giáo dục đại học; bổ sung quy định về tiêu chuẩn và quy trình đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất, xác định rõ về năng lực để đảm bảo đồng đều kết quả đánh giá, kiểm định giữa các trung tâm kiểm định chất lượng.

Trong phần này cũng có những điều sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật phí và lệ phí…

*Đồng bộ cơ chế tự chủ

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 13 điều liên quan đến tự chủ đại học (gồm các điều 32, 33, 39, 40, 41, 43, 45, 64, 65, 66, 67, khoản 5 Điều 12, khoản 2 Điều 36. Trong đó, Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, quy định gắn với trách nhiệm giải trình và sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở 8 điều khác nhằm đổi mới quản lý nhà nước. Điều này sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Cụ thể là, về tự chủ trong hoạt động chuyên môn, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được tập trung ở nội dung sửa đổi quy định về hội đồng trường để có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định.

Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp…

Các quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định về quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.



Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP