Ảnh minh họa/internet |
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung về “Giảng viên” có nội dung: Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Giảng viên đã được công nhận đạt chuẩn chức danh theo quy định thì được hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật và quy định của cơ sở giáo dục đại học.
Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên; trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người đã đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và người có trình độ tiến sĩ.
Theo TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - ở đây cần phân biệt rõ giữa các phạm trù: chức danh khoa học hoặc giảng dạy, trình độ (học vị được công nhận) và các nhiệm vụ đặc thù đối với hoạt động dạy học và vị trí việc làm ở đại học (do cơ sở qui định).
Như vậy, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung, trong nhóm chức danh của giảng viên, phó giáo sư, giáo sư được ghép vào một hạng “sau giảng viên chính”. Nếu theo logic này thì phó giáo sư, giáo sư sẽ không còn là “chức danh khoa học” nữa mà sẽ phải gắn chặt với hoạt động giảng dạy ở bậc đại học. Như vậy toàn bộ yêu cầu, điều kiện, qui trình xét công nhận và bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư sẽ phải thay đổi căn bản so với hiện nay.
TS Tôn Quang Cường cho biết: Theo thông lệ ở nước ngoài, đối với mỗi vị trí giảng dạy ở đại học đều có những yêu cầu, qui định, và đặc biệt là có các mô tả công việc, vị trí việc làm rất rõ ràng. Cá nhân có thể căn cứ vào đó để đăng kí làm việc sao cho phù hợp với học vị, năng lực, định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân. Sở dĩ họ làm được như vậy là do có “thị trường nhân lực” khá linh hoạt và tự do.
Ở ta từ trước đến nay thường là chọn người rồi giao việc. Mà chọn người thì căn cứ vào các “minh chứng năng lực” – văn bằng. Mức độ phức tạp, áp lực và độ khó của công việc được giao (giảng dạy và nghiên cứu) thường được căn cứ vào những qui định mang tính hành chính, pháp lí hay học vị của cá nhân. Điều này đôi khi dẫn đến một thực tế chưa đạt được sự cân bằng giữa kết quả sản phẩm thực hiện với những “minh chứng năng lực” mà giảng viên đang sở hữu!
Khẳng định yêu cầu về trình độ tối thiểu của giảng viên đại học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các bậc tương ứng như trong dự thảo là hợp lí, TS Tôn Quang Cường cũng cho rằng, có thể trong bối cảnh hiện nay, một số cơ sở đào tạo còn có áp lực, thách thức nhưng phải tiến đến việc tất cả giảng viên đại học đều phải có học vị tiến sĩ (tham khảo Khung trình độ quốc gia) và một số điều kiện kèm theo khác.
Nói điều này không phải là việc các trường sẽ ồ ạt “nâng cấp”, “chuẩn hóa” tiến sĩ mà cần có một chiến lược xây dựng, phát triển định hướng ngay từ đầu: từ việc xây dựng chương trình, mô tả vị trí việc làm…đến qui hoạch, tuyển dụng đội ngũ.
Tiến đến hình thành một “thị trường” lao động đặc biệt cho phép sử dụng, trao đổi, luân chuyển linh hoạt nguồn nhân lực chất lượng cao này. Tóm lại có thể diễn đạt nôm na như thế này về danh phận giảng viên đại học: “tiến sĩ thì cả đời”, “giáo sư của đại học cụ thể”, “việc làm thì mọi nơi”.
Tác giả: Hiếu Nguyễn
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại