Giáo dục

Sinh viên sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí

Thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm, dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục quy định cho sinh viên vay tín dụng.

Ngày 29/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trước Quốc hội.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Bộ Giáo dục.

Thay thế miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng cho vay tín dụng

Theo dự thảo, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí, chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội.

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định, giáo viên sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Quy định cho sinh viên sư phạm vay vốn tín dụng là điểm mới được bổ sung so với bản dự thảo công bố vào tháng 11/2017. Theo quy định hiện nay, sinh viên sư phạm sẽ được miễn học phí toàn khóa.

Thẩm tra dự luật, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tán đồng với nội dung sửa đổi trên vì vừa thể hiện được chính sách ưu tiên với người làm trong ngành giáo dục, vừa tránh lãnh phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị nghiên cứu cách thức tổ chức thực hiện việc vay vốn để người học được tiếp cận với chính sách tốt nhất, đồng thời bổ sung quy định hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Nâng chuẩn trình độ nhà giáo

Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi quy định về chuẩn trình độ của nhà giáo, trừ giáo viên mầm non và THPT vẫn giữ quy định lần lượt là "có bằng trung cấp sư phạm", "có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm" như Luật hiện hành. Giáo viên tiểu học, THCS, giảng viên được nâng chuẩn trình độ.

Cụ thể, giáo viên tiểu học phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, thay vì bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Giáo viên THCS là bằng cử nhân đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Luật giáo dục hiện nay cho phép những người này chỉ cần bằng cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Với giảng viên, luật hiện nay quy định chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là được giảng dạy trình độ đại học; có bằng thạc sĩ trở lên là được hướng dẫn luận văn thạc sĩ. Dự thảo Luật sửa đổi đã "nâng tầm", yêu cầu giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ; người hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ có trình bằng tiến sĩ.

Sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí mà thay bằng được vay tín dụng để nộp học phí. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đề xuất nâng trình độ đạo tạo nhà giáo được Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cơ bản tán đồng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khăn về tính khả thi với nhóm giáo viên tiểu học. "Hiện nay còn 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên", báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung nêu.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi của phương án. Việc đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện, cũng được đề nghị xem xét cẩn trọng.

Không đề xuất chính sách lương của nhà giáo

Dự thảo tháng 11/2017 bổ sung quy định về lương của nhà giáo "được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ". Nội dung này đã bị lược bỏ trong dự thảo lần 5 trình Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng do đó đề nghị Ban soạn thảo bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa quy định về chính sách lương của nhà giáo trong luật. Điều này nhằm tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương. Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 29 (năm 2013) đã yêu cầu "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp hạng cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo trong dự thảo luật, để khuyến khích sinh viên lựa chọn theo học trình độ phù hợp với khả năng của mình, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này khẳng định rõ ràng "nhà giáo... giữ vị thế quan trọng trong xã hội và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh". Nội dung này, theo Ủy ban, đã quy định trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ trong việc tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo. Tuy nhiên, quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo, chung chung, dẫn đến hạn chế trong thực thi.

"Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định...", báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục nêu.

Một số văn bằng nước ngoài không phải làm thủ tục công nhận ở Việt Nam

Dự thảo mới dành gần một trang để bổ sung các quy định rất cụ thể về công nhận văn bằng nước ngoài (điều 110). Ở luật hiện hành nội dung này chỉ được nêu chung chung, gói gọn trong 3 dòng.

Cụ thể, dự thảo quy định rõ 2 loại văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận. Một là văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng. Việc thực hiện chương trình đào tạo phải tuân thủ quy định tại khung trình độ quốc gia hoặc hệ thống giáo dục của nước cấp bằng.

Trường hợp thứ hai được Việt Nam công nhận là văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và đáp ứng quy định như vừa nêu.

Dự thảo cho phép một số trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Đó là những văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian tại nước đó thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam là thành viên; văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được các bộ và cơ quan ngang bộ cử đi học bằng ngân sách nhà nước hoặc theo các chương trình học bổng hiệp định mà chính phủ các nước cấp cho công dân Việt Nam.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP