Năm 2016, dù chưa tốt nghiệp nhưng Bách đã trúng tuyển vào công ty Rakuten (Nhật Bản) với mức lương khởi điểm gần 3.000 USD/tháng (khoảng 60 triệu đồng).
Khi ra trường, Bách sẽ chính thức đi làm công việc với một mức lương mà nhiều người mơ ước thậm chí là những người đã đi làm lâu năm.
“Công việc sắp tới của em là kỹ sư phần mềm tại chi nhánh Tokyo. Em dự định sau khi tốt nghiệp sang Nhật làm việc vào cuối tháng 10 tới đây”, Bách tâm sự.
Chàng trai quê Thái Nguyên cho hay, thông thường sinh viên học chương trình Việt Nhật sẽ đi phỏng vấn trước khi tốt nghiệp khoảng một năm. Nếu công ty nhận vào làm việc thì sẽ ký thỏa thuận (tiếng Nhật gọi là naitei). Trường hợp của Bách được nhận naitei vào tháng 5/2016.
Theo Bách, hiện các công ty phía Nhật Bản khá khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên do vậy họ mở rộng tìm kiếm sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Bách biết công ty tuyển dụng qua sự kiện Jobfair (ngày hội việc làm) dành cho sinh viên diễn ra ở Hà Nội nên Bách đã chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.
Ngoài củng cố kiến thức, em theo học khóa hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn với công ty Nhật Bản, đặc biệt dành thời gian nghiên cứu về văn hóa công ty nơi mình nộp hồ sơ ứng tuyển.
Từ đó Bách nhận ra rằng, mình phải bổ sung thêm tiếng Nhật để cho hợp với chuyên ngành của mình.
Hơn nữa, để hồ sơ được nằm trong phạm vi xét duyệt, Bách buộc đã phải đáp ứng các tiêu chí sau: có (sắp có) bằng Đại học, TOEIC 800.
Khi tuyển dụng, công ty không yêu cầu có bằng tiếng Nhật nhưng Bách vẫn đáp ứng được chứng chỉ ngoại ngữ này.
Chàng trai 9X chia sẻ: “Đây là công ty thứ 4 của Nhật Bản mà em đi phỏng vấn để xin việc.
Qua mỗi lần phỏng vấn, em rút được kinh nghiệm khi nói chuyện với nhà tuyển dụng và dần dần nâng cao kỹ năng trả lời của mình”.
Ấn tượng của Bách khi nói về buổi phỏng vấn với các công ty Nhật Bản đó là bên cạnh những câu hỏi chuyên môn thì nhà tuyển dụng thường hỏi thêm nhiều về quan điểm cá nhân, sở trường…
Khi được hỏi về điểm mạnh của mình, Bách trả lời đó là lòng nhiệt huyết với công việc, tinh thần trách nhiệm cao. Có thể vì điều này mà em được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Để có thành công như ngày hôm nay, ngay từ khi bước chân vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách đã đặt ra các kế hoạch, mục tiêu cụ thể để hành động.
Ví dụ, để có được một công việc thì Bách đã tìm hiểu rất kỹ về đất nước, con người và doanh nghiệp của Nhật Bản từ đó cậu sinh viên nhận ra rằng, dân số Nhật đang già hóa nên đất nước Nhật rất cần những người trẻ có khả năng làm việc cho họ.
Vì vậy, Bách đã không ngừng học tập về chuyên môn kĩ thuật, ngoại ngữ và học hỏi thêm cả văn hóa làm việc của người Nhật để đạt được hiệu quả công việc được giao.
Bên cạnh đó, Bách cũng luôn quan niệm rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản rất khắt khe, nghiêm khắc, kỉ cương đó sẽ đào tạo con người làm việc khá tốt.
Để củng cố cho mục tiêu của mình, bên cạnh việc học ở trường thì ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 3, Bách đã đi làm thêm ngoài giờ đi học cho một công ty phần mềm của Nhật Bản.
Do chỉ học tiếng Nhật ở trường mà ngành Công nghệ thông tin lại cần tiếng Anh nên Bách học thêm tiếng Anh ở ngoài.
Nhờ đó em có thêm lợi thế khi phỏng vấn với Rakuten - vốn là công ty quốc tế sử dụng nhiều tiếng Anh.
Dù được trả 60 triệu/tháng nhưng Bách cho rằng, mức lương này chưa phải là quá cao so với thị trường quốc tế.
Bách cũng rất tự tin cho rằng, không có gì bất ngờ và quá vui mừng với công việc và mức lương như thế, bởi một số anh chị học khóa trước khi ra trường cũng đã có được mức lương đó và Bách cũng đã sẵn sàng đối mặt với những áp lực công việc này.
“Ở trong nước, đối với sinh viên mới ra trường sẽ vẫn có nhiều cơ hội nhưng em muốn làm việc ở nước ngoài, trong những môi trường có nhiều áp lực để có thêm kinh nghiệm.
Em muốn ở nước ngoài một vài năm để có thêm kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế. Sau đó em sẽ trở về Việt Nam”, Bách cho hay.
Tác giả bài viết: Thùy Linh
Nguồn tin: