Chiều 3/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể làm việc với UBND TPHCM về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vào thứ 2 tuần tới, Quân ủy Trung ương sẽ có ý kiến về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Theo kế hoạch, để mở rộng sân bay cần trưng dụng 210ha ở phía Bắc và từ 70-80ha ở phía Nam để làm nhà ga, kho hàng hóa, khu vực sửa chữa…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng giao thông cửa ngõ TPHCM còn hạn chế so với Hà Nội |
“Sân bay Tân Sơn Nhất không bỏ đi đâu cả mà phải kết nối các loại hình giao thông khác, giúp sân bay đủ sức cạnh tranh với sân bay Long Thành. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng để mở đường ở khu vực sân bay. Nếu được hỗ trợ tốt sẽ đảm bảo khả năng phục của sân bay trong tương lai, giúp kinh tế thành phố phát triển”, ông Thể nói.
Về sân bay Long Thành, ông Thể đề nghị các đơn vị liên quan làm rõ phương án kết nối giao thông với TPHCM, sân bay Tân Sơn Nhất. Giao thông kết nối không tốt thì đưa hành khách từ sân bay Long Thành về thành phố rất khó khăn.
Ông Thể cũng đề nghị TPHCM nghiên cứu phương án mở rộng tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Khi xây xong nhà ga hành khách T3 thì các tuyến đường đi qua khu vực đất quốc phòng cũng hoàn thành, đảm bảo sự đồng bộ.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với TPHCM để sớm khép kín tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 và triển khai tuyến đường vành đai 4, để phát triển giao thông, kinh tế xã hội thành phố và các tỉnh lân cận.
Ông Thể cho rằng, giao thông cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội kết nối với các tỉnh tốt hơn TPHCM. Hiện nay, tuyến quốc lộ 1 đã quá tải, trong khi đó quốc lộ 22, 50 kết nối với Tây Ninh và Long An, Tiền Giang cũng trong tình trạng tương tự. Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây mới đưa vào sử dụng nhưng cũng có nhiều thời điểm kẹt xe, cao tốc TPHCM – Trung Lương cũng vậy.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị thành phố sớm có điều chỉnh quy hoạch để mở rộng giao thông kết nối, tạo trục đường mới. Nếu không làm sớm thì 5-10 năm nữa giao thông thành phố sẽ kẹt cứng.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó đoạn qua thành phố dài hơn 13km. Nhà ga Thủ Thiêm (đặt tại phường An Phú, quận 2) rộng hơn 17ha.
Trong khi đó, đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ dài 139km sẽ đi qua 5 tỉnh gồm: TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Điểm đầu là nhà ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh), đoạn tuyến này đi theo hành lang đường bộ cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ có phương án tạm ứng ngân sách để xây dựng tuyến đường vành đai 3, đoạn qua địa bàn thành phố. Thành phố cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chống ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết rất nôn nóng với dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ |
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, ông rất nôn nóng với dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ. Theo ông, đây là giải pháp kết nối giao thông của thành phố với các tỉnh miền Tây.
Ông dẫn chứng, hiện nay một lượng lớn công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố sống ở Tiền Giang, Long An. Một doanh nghiệp đã huy động gần 500 xe đưa đón công nhân từ khu vực này lên thành phố mỗi ngày. Nếu có đường sắt cao tốc thì sẽ góp phần giải quyết được vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định vai trò quan trọng của tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ đối với vận chuyển hành khách, hàng hóa trong khu vực. Ông đề nghị Cục đường sắt nghiên cứu lại dự án, lộ trình và thống nhất cách làm tuyến đường sắt này.
“Nếu khả quan thì Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và mời các tỉnh về thống nhất cách làm. Dự án này chỉ có thể làm đối tác công tư chứ Nhà nước hoặc tư nhân không thể làm nổi”, ông Thể nói.
Cũng theo Bộ trưởng Thể, cần nghiên cứu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tuyến TPHCM – Cần Thơ. Nếu hành khách đi tàu từ Bắc vào TPHCM mà chỉ dừng lại ở Thủ Thiêm thì sẽ không có sức hút. Vì vậy, cần có phương án kết nối thuận tiện cho hành khách có nhu cầu về Cần Thơ được thuận tiện.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức làn đường ưu tiên riêng cho xe buýt trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, điều chỉnh thời gian cất hạ cánh vào giờ cao điểm.
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không cho biết, từ tháng 7/2017, ngành hàng không đã có phương án điều chỉnh lượt cất hạ cánh giờ cao điểm và sau 12 giờ đêm. Ban ngày, nâng giới hạn lên 44 lượt chuyến/giờ, ban đêm có thời điểm là 37 lượt chuyến.
Theo ông, hiện nay có nhiều hãng hàng không đăng ký tăng chuyến tới sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chưa giải quyết được. Sau khi nâng cấp sân bay, mở rộng đường lăn, ngành hàng không sẽ tiếp tục điều chỉnh công suất bay cao hơn.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí