Phạt mấy cháu tiểu học quỳ gối, nhìn nhận một cách khắt khe nhất thì đó là một phương pháp giáo dục chưa hợp lý, có phần vượt ra ngoài chuẩn mực nhà giáo. Nhưng nhìn bằng ánh mắt đồng cảm và chia sẻ, ta vẫn có thể thông cảm phần nào với nhiệt tâm uốn nắn, rèn giũa trẻ của cô giáo.
Cô là một giáo viên dạy giỏi, vừa mới chuyển trường và đi dạy lại sau thời gian nghỉ thai sản. Dẫu chúng ta thuộc nhóm người khắt khe hay rộng lượng thì lẽ tất nhiên sẽ là một cuộc đối thoại thẳng thắn, góp ý với thiện chí điều chỉnh cái sai.
Không có lý lẽ nào để biện hộ cho hành động bắt cô giáo quỳ gối mặc dù cô và nhà trường đã nhận sai và hứa sửa chữa. Đó là cách ứng xử phản cảm nhất với cô giáo của con. Càng buồn hơn nữa khi vị phụ huynh kia lại là một trí thức, một luật sư tập sự. Cái lý sai rành rành, cái tình lại càng đáng lên án.
Tôi cũng là một phụ huynh. Tôi rất thương con. Nhưng tôi và khá nhiều phụ huynh khác đã chọn một cách ứng xử khác với giáo viên của con khi phát hiện con cái bị đánh roi, ăn mắng.
Con tôi đang học mầm non. Cái lứa tuổi tinh nghịch, thích nhõng nhẽo và hoàn toàn không thể ép vào khuôn phép một cách cứng nhắc. Đôi ba lần về nhà cháu kể bị cô giáo đánh vào tay. Hỏi lý do thì con bảo do con nói chuyện với bạn, do con chạy khỏi hàng khi cô yêu cầu xếp thành tổ, do con vừa ăn vừa đùa giỡn với các bạn…
Muôn kiểu lý do là muôn lần bị cô giáo khẽ vào tay. Lớp có lắp đặt camera nhưng mỗi lần đánh cháu cô đều bảo các cháu ra ngoài cửa lớp, có lẽ vì ở đó khuất camera. Thú thật, một vài lần nghe cô giáo khẽ tay con vì mấy cái lý do nói chuyện, đùa giỡn, chạy lung tung, tôi đều bấm bụng chấp nhận và phân tích cho con sai ở ở đâu, nhắc nhở con lần sau cố gắng đừng để cô đánh roi.
Vậy mà có dạo hầu như ngày nào cô cũng khẽ roi. Và con bảo cô đánh chúng cả lớp mà cháu không hề biết cháu mắc lỗi gì. Đến lúc ấy, tôi nghĩ mình cần phải can thiệp vào phương pháp dạy trẻ của cô.
Đầu tiên tôi đến đón cháu và tranh thủ lúc lớp hơi vắng phụ huynh liền kể chuyện cháu bảo bị cô giáo đánh. Lúc ấy, cô giáo có phần tái mặt nhưng tôi nhanh chóng trấn an cô, tôi đề cập đến áp lực của nghề giáo ở bậc mầm non. Tôi nhắc đến tình yêu thương của cô giáo mỗi ngày chăm trẻ, dạy trẻ. Tôi chốt lại câu chuyện bằng cách nhờ cô uốn nắn cháu mỗi khi mắc lỗi nhưng tuyệt đối không được lạm dụng roi vọt mỗi ngày và không thể trút giận lên cả lớp.
Cuộc trò chuyện bắt đầu hơi căng thẳng khi sai lầm đánh trẻ của cô giáo bị phụ huynh vạch trần. Tuy nhiên, khi chúng ta chuẩn bị sẵn một tâm thế đối thoại, sẻ chia, đồng cảm, chắc chắn rằng giáo viên và phụ huynh sẽ tìm được tiếng nói chung.
Sau lần ấy, con tôi kể chuyện cháu và các bạn bị cô giáo khẽ tay thưa dần. Khi năm học kết thúc, cô giáo nhắn tin cảm ơn tôi lần ấy đã không làm to chuyện. Và sự tương kính giữa chúng tôi vẫn trọn vẹn. Con tôi vẫn nhắc về cô giáo mầm non với niềm tin yêu như ban đầu.
Tôi nghĩ không có chuyện gì không thể giải quyết, không có phương pháp giáo dục sai lầm nào không thể góp ý, điều chỉnh. Có điều phụ huynh chúng ta phải bình tĩnh tìm hiểu ngọn ngành và lựa chọn cách ứng xử khôn ngoan nhất,
Đừng vội vàng chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội với những lời tố giác từ một phía! Câu chuyện sẽ bị đẩy đi rất xa và sự tổn thương của người thầy không chỉ là danh dự, uy tín mà đôi khi còn là các hình thức kỷ luật, đình chỉ công việc.
Đừng vội vàng lao đến trường rượt đuổi thầy cô, đánh mắng lại thầy cô! Bởi như vậy là chúng ta đang dạy con trẻ dùng bạo lực để đối phó với bạo lực. Và chính chúng ta đạp đổ hình ảnh mẫu mực, cao quý của người thầy trong lòng con trẻ! Điều đó nguy hại vô cùng!
Tác giả: Ngọc Hùng
Nguồn tin: Báo Dân trí