Quốc hội đã biếu quyết thông qua dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. |
Sáng 14/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Kết quả, đã có 472 đại biểu (chiếm 94,78%) tán thành thông qua luật. Theo đó, Luật Dầu khí sửa đổi đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Kết quả biểu quyết thông qua dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi |
Trong đó, đáng chú ý, nội dung quy định tại Điều 55 Luật Dầu khí sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là chính sách mới của dự thảo luật với nhiều nội dung mang tính đột phá.
"Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu", báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung này; Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 452/BC-CP ngày 08/11/2022 tiếp theo Báo cáo số 415/BC-CP báo cáo ý kiến thống nhất với nội dung dự thảo Luật.
"Để bảo đảm rõ ràng, xin bổ sung khoản 5 Điều 41 quy định về Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí. Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí đã có quy định về nội dung chính của quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp này", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan, trong đó chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Ngoài ra, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.
Điều 55. Chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu
1. Chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 41 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí;
b) Được sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư của hợp đồng dầu khí đã kết thúc để thực hiện hoạt động khai thác tận thu mà không phải trả tiền;
c) Việc đầu tư bổ sung để khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, thu dọn công trình dầu khí và xử lý sau thu dọn khi kết thúc hoạt động khai thác được thực hiện theo quy định của Luật này và trên cơ sở cân đối nguồn thu từ hoạt động khai thác tận thu đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Tác giả: Anh Hùng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn