Kinh tế

Quốc hội thông qua bội chi ngân sách năm 2016 hơn 248 nghìn tỷ đồng

Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước bao gồm: vay trong nước 197.165 tỷ đồng và vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng.

Quốc hội đã bấm nút thông qua quyết toán ngân sách năm 2016.

Sáng nay (12/6), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2016 với tỷ lệ 95,48%.

Cụ thể, Quốc hội đã thống nhất thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2015 chuyển sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017).

Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước bao gồm: vay trong nước 197.165 tỷ đồng và vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng.

Nghị quyết giao Chính phủ có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công hoàn thành, chậm phê duyệt quyết toán.

Trước đó, trình báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã cho hay, một số ý kiến cho rằng, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn còn cao, chi đầu tư tăng chậm, chi đầu tư còn nhiều hạn chế, phân bổ vốn đầu tư còn bất cập, bố trí vốn cho địa phương chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, chậm quyết toán đối với dự án hoàn thành, quản lý vốn ODA còn bất cập.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chi ngân sách nhà nước sai chế độ, định mức, không đúng mục đích, một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Trong khi đó, chất lượng công tác lập và giao dự toán thu ngân sách nhà nước còn hạn chế, một số khoản thu vượt dự toán lớn song cũng có những khoản thu không đạt dự toán; cơ cấu nguồn thu chưa bền vững.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu chi theo mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tỷ lệ bội bội chi ngân sách/GDP năm 2016 cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép, ảnh hưởng đến nợ công. Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay dù số bội chi năm 2016 thấp hơn dự toán nhưng do GDP không đạt kế hoạch, giảm khoảng 600 nghìn tỷ đồng, nên tỷ lệ bội chi tính trên GDP (5,52%GDP) cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép là 4,95%GDP.

Điều này còn chưa tính đến số nợ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục tăng lên (63,71%). Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, sang năm 2017 đã được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4%.

Vì vậy, để bảo đảm giữ mức bội chi hàng năm, giảm áp lực gia tăng nợ công, Ủy ban này đề nghị Chính phủ cần dự báo, tính toán GDP sát thực tế. Trong điều hành, Chính phủ cần bám sát dự toán, ưu tiên sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN, bảo đảm bội chi NSNN hàng năm trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm (%).

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP