Tin địa phương

Quảng Bình tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Trong năm học 2023-2024, chất lượng mũi nhọn và chất lượng giáo dục đại trà tỉnh Quảng Bình có những phát triển khởi sắc.

Ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm học 2023-2024.

Chiều 21/8, Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen. Ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, kinh phí dành cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn hạn hẹp.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, ban, ngành, đặc biệt là sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành các chỉ tiêu và kế hoạch đề ra.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình khẳng định, quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn được rà soát, sắp xếp lại tương đối hợp lý; công tác quản lý được tăng cường. Chất lượng mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà được phát triển khởi sắc. Các kỳ thi học sinh giỏi, tuyển sinh, tốt nghiệp THPT trên địa bàn được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Bức tranh tổng thể của ngành Giáo dục Quảng Bình có nhiều chuyển biến tích cực.

“Hội nghị này cần tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả, hạn chế chủ yếu của công tác quản lý giáo dục các cấp; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng vấn đề cụ thể; dành thời gian bàn về phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến so với năm học trước. 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối, “yên vui” khi đến trường, không có trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, bạo hành xảy ra trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).

100% nhóm, lớp thực hiện Chương trình GDMN. Số trường, nhóm, lớp thực hiện Chương trình GDMN theo độ tuổi, vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh tăng lên đáng kể so với năm học trước.

Quy mô trường lớp cấp TH cơ bản phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh (HS) ở các vùng miền. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDTH. Tỷ lệ chuyên cần đạt 100%. Việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99%. Tỉ lệ HS bỏ học 0,005%.

Kết quả giáo dục đại trà về học lực có những chuyển biến theo hướng thực chất, phản ánh đúng tình hình thực tế của các đơn vị. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến vượt bậc. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 có 67 HS dự thi; kết quả có 47 HS đoạt giải, đạt tỉ lệ 70,15% trên tổng số HS dự thi.

Tổ chức thành công Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THPT cấp tỉnh với 43 giáo viên (GV) thuộc 24 trường phổ thông trực thuộc tham gia. Kết quả, công nhận 41 GV đạt danh hiệu GV chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Trong đó, 21 GV được Ban tổ chức xếp giải và Giám đốc Sở tặng giấy khen.

Từ phong trào nghiên cứu khoa học của cơ sở, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã tổ chức thành công Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh với 79 dự án của 28 đơn vị trực thuộc và 8 đơn vị phòng GD&ĐT.

Kết quả, công nhận 4 dự án xếp giải Nhất, 6 dự án để xếp giải Nhì, 17 dự án xếp giải Ba và 20 dự án xếp giải Tư. Tham gia cuộc thi cấp Quốc gia có 1 dự án đoạt giải Nhì, 1 dự án đoạt giải Tư.

Khắc phục mọi khó khăn

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được trong năm học 2023-2024.

Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chúc mừng kết quả ngành Giáo dục Quảng Bình đạt được.

“Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn công tác GD&ĐT của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: thiếu biên chế so với mức quy định và nhu cầu thực tế; tình trạng thừa thiếu cục bộ; chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều; kết quả phân luồng HS sau THCS chưa đạt kết quả đề ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Liên quan đến nội dung “Phổ cập xóa mù chữ của huyện Tuyên Hóa”, ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa chia sẻ những khó khăn trên địa bàn như kết quả học tập, tỉ lệ tốt nghiệp THPT một số xã còn thấp. Từ đó, đề xuất một số giải pháp như đẩy mạnh truyền thông hướng nghiệp; phân luồng học sinh qua buổi ngoại khóa, lên lớp; các xã chủ động đưa ra chỉ tiêu, đưa ra giải pháp cụ thể; kiến nghị UBND tỉnh xem xét cân đối giáo viên, ưu tiên phát triển cơ sở vật chất cho huyện Tuyên Hóa.

Giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo là một trong những nội dung được đại biểu tại hội nghị quan tâm. Ông Nguyễn Tất Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Bố Trạch) đề xuất một số giải pháp.

Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức nhà giáo trong tiếp nhận văn bản liên quan, tuyên truyền vận động cán bộ nắm vững bộ quy tắc của ngành, của trường học; chú trọng công tác nêu gương, mỗi nhà giáo phải xây dựng kế hoạch phấn đấu; tăng cường tổ chức đối thoại, tập huấn, diễn đàn để nhà giáo học hỏi nhau, nếu có điều kiện mời chuyên gia giảng dạy.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Nhằm thực hiện hiệu quả quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ GD&ĐT và của tỉnh về công tác GD&ĐT; trọng tâm là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 và các Nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về công tác GD&ĐT.

Tích cực, chủ động, sáng tạo trong đổi mới thực hiện các nhiệm vụ, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị trường học, năng lực chuyên môn. Đề nghị các đơn vị, trường học triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Tập trung chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đại trà; thực hiện tốt chủ đề năm học “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”. Thực hiện có hiệu quả phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể; thầy cô giáo làm động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình làm điểm tựa; xã hội làm nền tảng”; triển khai thực hiện tốt việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018; phấn đấu giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao tặng Bằng khen cho 2 cán bộ quản lý có đóng góp quan trọng cho ngành Giáo dục tỉnh.

Tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ bản và triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng GV; hỗ trợ, tạo điều kiện để GV yên tâm công tác. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn. Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm huy động học sinh trong độ tuổi đến trường; không để học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, sử dụng phong phú các phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin, nhất là các chủ trương, chính sách, các chương trình, kế hoạch giáo dục mới giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh và mọi người hiểu rõ để thực hiện tốt.

Tác giả: Lan Nhi

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP