Tin địa phương

Quảng Bình: Nguy hiểm đò ngang “chông chênh” đưa học sinh đến trường

Hàng chục năm qua, nhiều học sinh cấp 1, cấp 2 ở một thôn bên bờ sông Nhật Lệ phải đi học trên những chuyến đò ngang chông chênh, đầy rủi ro.

Thôn Hà Kiên nằm một bên khúc sông Nhật Lệ đoạn chảy qua xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), hàng chục năm nay người dân vẫn phải đi lại tới trung tâm xã bằng những chuyến đò ngang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhất là những em học sinh, hàng ngày phải đến trường bằng đò mà thiếu các phương tiện bảo hộ đường thủy.

Người dân thôn Hà Kiên phải sang sông bằng những chuyến đò ngang "chông chênh". (Ảnh: Hải Long)

Toàn thôn Hà Kiên có 157 hộ dân, trong đó có hơn 50 em học sinh cấp 1 và cấp 2 thường ngày đều phải di chuyển bằng đò ngang để đến trường học. Tình trạng này khiến người dân thôn Hà Kiên luôn thấp thỏm lo âu bởi rất nhiều nguy hiểm khó lường, luôn rình rập tính mạng của người dân và các em học sinh.

Ông Trần Văn Vững (53 tuổi, thôn Hà Kiên) cho biết, vợ chồng ông chèo đò ở đây đã hơn 10 năm nay. Mặc dù ai cũng mong muốn có một cây cầu bắc qua sông để việc đi lại đỡ vất vả hơn nhưng nguyện vọng chính đáng ấy vẫn chưa thành hiện thực. Để phục vụ nhu cầu của bà con phía hai bờ, hàng ngày vợ chồng ông Vững phải thức dậy từ sớm để ra sông đưa đò.

Các em học sinh hàng ngày phải đi học bằng đò mà không có phương tiện bảo hộ như áo phao. (Ảnh. Hải Long).

“Bình thường mỗi người dân qua đò tôi chỉ lấy 1 nghìn/người, học sinh thì 1 tháng 15 nghìn. Vào những ngày mưa to, gió lớn phải nghỉ để đảm bảo an toàn cho người dân và các cháu học sinh. Tuy nhiên lại bất tiện cho công việc của bà con, lỡ chuyện học tập của các cháu”, ông Vững chia sẻ thêm.

Nguy hiểm hơn, về mùa mưa lũ nước sông chảy xiết, việc đi lại của người dân, con đường đến trường của các em học sinh cũng bị gián đoạn. Mặc dù rất sợ và lo lắng nhưng không còn cách nào khác bởi đây là phương tiện duy nhất giúp các em đến trường gần hơn và nhanh hơn để kịp giờ học.

Muốn sang sông đến trường, các em học sinh phải chờ, vì đò nhiều người mới có thể chạy. (Ảnh. Hải Long).

Bà Võ Thị Thương, một người thường xuyên qua đò khu vực này cho biết: “Người dân ở đây hàng ngày muốn qua trung tâm xã, các cháu học sinh muốn đi học nhanh thì phải đi bằng con đò duy nhất này. Nếu đường bộ thì phải đi hơn 15km mới tới trung tâm xã”.

Địa bàn xã Hàm Ninh bị chia cắt bởi dòng sông Nhật Lệ, về mùa lũ, việc đi lại bằng đò của người dân gần như “tê liệt”, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, học tập của người dân 2 bên sông.

Em Nguyễn Thị Hằng (lớp 4, nhà ở thôn Hà Kiên) chia sẻ: “Hàng ngày em phải dậy từ rất sớm để chờ đò, phải đông người thì đò mới chạy, mới có thể đến trường. Nhiều khi ra không kịp, bị lỡ đò là phải nhờ ba mẹ chở đi đường vòng nên thường xuyên bị muộn học”.

Những ngày mưa gió, các em học sinh phải nghỉ học vì đò không thể chạy. (Ảnh. Hải Long).

Nhiều phụ huynh ở thôn Hà Kiên cho hay, những ngày trời yên gió lặng thì đỡ lo, còn những ngày mưa to gió lớn, các cháu cũng phải qua sông đi học, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn các cháu ngồi trên chiếc đò chông chênh sang sông, lòng cứ thấp thỏm lo âu. Có khi trời tối chưa thấy con đi học về cũng phải chạy ra đứng ngóng chờ con qua sông mới an tâm.

Trao đổi với ông Võ Thanh Thuần, Trưởng thôn Hà Kiên, ông Thuần cho biết, người dân cùng chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có đề xuất về nguyện vọng, mong muốn có cây bắc qua sông giúp bà con thuận tiện đi lại. Nhưng nhiều năm nay ước mơ đó vẫn chưa thành hiện thực.

“Trước mắt, bà con trong thôn mong muốn chính quyền quan tâm, hỗ trợ chi phí để tu sửa phương tiện qua sông, đảm bảo an toàn cho bà con. Đồng thời hỗ trợ chi phí cho các cháu học sinh trên những chuyến đò ngang hàng ngày”, Ông Thuần bộc bạch.

Bà con thôn Hà Kiên luôn ước muốn có một cây cầu nối liền hai bờ sông. (Ảnh. Hải Long).

Trong khi chưa có điều kiện để đầu tư xây dựng đường giao thông và cầu bắc qua sông thì người dân đành chấp nhận đi lại bằng những chuyến đò chông chênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giao thông đường thủy khiến người dân không thể chủ động khi đi lại, mất nhiều thời gian và mất an toàn.

Với những bất cập đó, bà con thôn Hà Kiên luôn ước muốn nhà nước có thể xây một cây cầu nối liền hai bờ sông Nhật Lệ đoạn qua xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh để người dân thuận tiện hơn trong công việc, học tập.

Tác giả: Hải Long

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP