Tin địa phương

Quảng Bình: Độc đáo mô hình trồng tre chống sạt lở bờ sông

Sạt lở bờ sông Gianh làm mất đất sản xuất, đe dọa đến tài sản nhà cửa của hàng trăm hộ dân ven sông mỗi khi mùa mưa bão về. Để hạn chế sạt lở, người dân huyện Tuyên Hóa đã có truyền thống trồng tre bảo vệ bờ sông.

Những năm gần đây, ở Quảng Bình chịu nhiều trận lũ, lụt gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Ở xã “vùng trũng” Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) mỗi khi lũ lụt về, người dân di tản lên núi cao để tránh trú. Mọi tài sản nhà cửa bị ngập sâu, nhờ có những dãy tre làng vững chải che chở bảo vệ tài sản nhà cửa người dân khỏi bị cuốn trôi ra sông.

Về xã Văn Hóa, dọc các đường làng ngõ xóm đều rợp bóng tre. Năm 2016, trận lũ kép kinh hoàng làm nước sông Gianh hung dữ cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn. Chính nhờ những lũy tre làng mà người dân còn giữ được đất đai, nhà cửa.

Những bờ tre bảo vệ làng ven sông khỏi sạt lở.

Theo những cụ cao niên ở xã Văn Hóa kể lại, tre làng nơi đây được cha ông trồng từ thuở nào tới giờ. Trải qua hàng trăm năm rồi, rặng tre làng được người dân gìn giữ nên ngày càng phát triển thêm. Người dân nơi đây sống quây quần bên các lũy tre, có tình yêu đặc biệt với cây tre.

Ông Lương Xuân Kĩnh, 82 tuổi, thôn Hà Thâu cho biết, “Cái dãy tre tôi ở kéo dài từ trên ga về dưới làng này sẽ bảo vệ cho gần 4.000 dân ở địa phương này, nhờ dãy tre này mà đến mùa lũ lụt người dân cũng đỡ sợ nước nôi tràn về”.

Để phát triển và thu lợi kinh tế từ cây tre mang lại, nhưng năm qua, chính quyền xã Văn Hóa thực hiện chủ trương giao khoán cho các hộ dân bảo vệ, giữ gìn và phát triển rặng tre làng.

Những dãy tre làng bảo vệ đất sản xuất không bị cuốn xuống sông Gianh.

Cây tre già được người dân khai thác bán cho thương lái thu mua chuyển cho các làng nghề sản xuất thúng, đũa, tràng rỗ... Còn cây măng non thì hái về làm thực phẩm, bán ở chợ, nhập cho các nhà hàng. Nhờ cây tre, người dân kiếm thêm được khoản thu nhập kha khá ngoài nghề làm nông, trồng lúa.

Ông Đinh Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa, cho biết, Văn Hóa là xã thấp trũng và thường xuyên bị ngập lụt nhất của huyện. Mọi năm, nước lũ năm dâng cao lên cao đến ngọn tre, dân làng phải di chuyển vào lèn núi đá trú ẩn. Hệ thống tre chống sói lở rất hiệu quả, tre này được bà con dân làng trồng từ lâu, xã quy hoạch một vùng đất theo dọc sông không được trồng cây gì khác ngoài tre, chủ yếu trồng tre để bảo vệ làng. Đề xuất tỉnh huyện bổ sung thêm kinh phí để trồng thêm tre ở một số vùng đầu làng nhằm chống sói lở”.

Ở xã Văn Hóa, lũy tre bảo vệ người và tài sản nhân dân hiệu quả hơn những công trình chống lũ ngàn tỉ.

Việc chống sạt lở bờ sông, và hạn chế lũ cuốn, người dân ở xã Văn Hóa cho rằng có nhiều công trình chống lũ ngàn tỉ chưa chắc đã hiểu quả bằng những lũy tre làng của người dân nơi đây. Tre trồng thì chi phí thấp, ngoài chống sạt lỡ còn cản gió bão, che chắn nắng mùa hè, mang lại thu nhập kinh tế thêm cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết “Làng Văn Hóa là vùng bán sơn địa, chịu tác động của lũ tràn, dòng chảy lũ quét. Họ không những trồng tre dọc bờ sông mà trồng thành rừng tre, bãi tre ở đầu mũi các cồn bãi nên cản được dòng chảy lũ. Vùng xung yếu thì nên trồng tre, ví dụ như vùng đất bồi, đoạn sông thẳng, thứ nhất là có lợi về chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sống. Đây là một mô hình hay, cần được triển khai nhân rộng”.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP