Tin địa phương

Quảng Bình đã làm hết trách nhiệm với dân?

Như Báo Thanh tra đã đưa tin, 18 cơ sở kinh doanh hải sản tại Cảng cá Nhật Lệ thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm biển năm 2016, nhưng chưa được UBND tỉnh giải quyết xong. Mặc dù Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, nhưng mọi chuyện “đâu vẫn đóng đấy”.

Qua tìm hiểu, lý do đang mắc tại… Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình mà người chịu trách nhiệm chính là ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở này.

Hàng về tại Cảng cá Nhật Lệ. Ảnh: Yến Nhi

Sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, 18 cơ sở thu mua hải sản tại Cảng cá Nhật Lệ đã được nhận chính sách hỗ trợ 20% giá cho các cơ sở thu mua hải sản từ tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh trong thời gian từ ngày 1/5/2016 đến 15/5/2016 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 20/4/2017, Bộ NN&PTNT có Văn bản 3311/BNN-TCTS gửi các tỉnh bị ảnh hưởng đề xuất bổ sung phạm vi và đối tượng bị thiệt hại. Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Bình, số tiền đề nghị Trung ương hỗ trợ là 734.937.000.000 đồng. Cấu thành con số thiệt hại trên, có tổng hợp 54 tỷ đồng của 18 cơ sở trên (Văn bản 1169 ngày 7/6/2017 của UBND TP Đồng Hới).

Theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 (ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng), “Điều 1, nhóm 4, điểm a” có xác định đối tượng thiệt hại là “Tổ chức, cá nhân có địa điểm kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển trực tiếp thu mua, sơ chế thủy sản từ các tàu cá, cảng cá, bến cá, chợ cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản, bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển”. Theo trình bày của các hộ dân, nghịch lý ở chỗ, Cảng cá Nhật Lệ thuộc phường Phú Hải, là điểm thu mua hải sản chính của các tàu đánh cá của Quảng Bình lại không được tỉnh này đưa vào danh sách “các xã, phường, thị trấn ven biển”. Sau khi phát hiện bất cập trên, với sự tham mưu của các cơ quan liên quan, tại Thông báo 506 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Cảng cá Nhật Lệ đã được đưa vào danh sách đối tượng được hưởng bồi thường. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, 18 hộ dân thu mua hải sản của các tàu đánh cá này lại không được bồi thường số hải sản bị ô nhiễm, không kinh doanh được mà chỉ là hỗ trợ người lao động tại đây?

Qua tìm hiểu, quy định trên được nêu tại Văn bản 1826/TTg-NN (về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển) của Thủ tướng Chính phủ, mà quy định này lại được xây dựng trên cơ sở tham mưu, đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình. Hay, sâu xa hơn lại xuất phát từ chính Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình.

Từ khi Chính phủ có các văn bản chỉ đạo hỗ trợ các tỉnh miền Trung về sự cố môi trường biển, 18 hộ dân đã nhiều lần gửi đơn (trong đó có 11 lần có đơn gửi ra các cơ quan Trung ương và Chính phủ) đến các cơ quan chức năng đề nghị được bồi thường, hỗ trợ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhưng đến nay họ vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Bình giải quyết triệt để, dù Văn phòng Chính phủ nhiều lần có văn bản chỉ đạo.

Gần đây nhất, ngày 16/3/2018 Văn phòng Chính phủ có Văn bản 2449/VPCP-NN (về việc giải quyết dứt điểm kiến nghị về bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển) gửi UBND tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến: “Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý dứt điểm trường hợp này theo đúng quy định, không để khiếu nại kéo dài”. Phúc đáp chỉ đạo trên, ngày 23/4/2018 UBND tỉnh Quảng Bình có Văn bản 574 khẳng định: “Về bồi thường đối với cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản: 18 cơ sở thu mua hải sản nêu trên không có hàng thủy sản được thu mua, tạm trữ còn lưu kho (các cơ sở này thu mua hải sản từ các tàu cá rồi vận chuyển đi tiêu thụ ngay) nên không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 1880/QĐ-TTg, Quyết định 309/QĐ-TTg và Công văn 1826/TTg-NN”.

Việc trả lời như trên của UBND tỉnh Quảng Bình là khập khiễng. Bởi lẽ, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1880, UBND tỉnh Quảng Bình đã không quan tâm tới các đối tượng kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ khi đưa cảng cá này ra ngoài danh sách các xã, phường, thị trấn ven biển, mặc dù về địa lý, Cảng cá Nhật Lệ nằm gần khu vực cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển. Hoặc, UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, 18 cơ sở không có hàng thủy sản được thu mua, tạm trữ lưu kho nên không đủ điều kiện bồi thường. Văn bản 1880 cũng không có quy định các hộ kinh doanh phải có kho đông lạnh lưu trữ. 18 hộ cũng có đủ chứng từ thu mua hải sản của các tàu cá bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này, được cơ quan chức năng thành phố Quảng Bình xác nhận với tổng số tiền thiệt hại 54 tỷ để UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo Chính phủ rằng, địa phương bị thiệt hại 734.937.000.000 đồng. Số hải sản mà các hộ mua trong thời điểm sự cố này, các chủ tàu đánh cá đã nhận đủ, hàng được đưa lên xe đông lạnh đưa đi bán nhưng không tiêu thụ được vì chẳng ai mua hải sản ô nhiễm. Bà Đinh Thị Phường, chủ cơ sở Quang Phường nói: Biết là hải sản ô nhiễm, nhưng chúng tôi vẫn thu mua cho ngư dân vì ngoài chúng tôi họ biết bấu víu vào đâu? Đặc thù của các hộ thu mua tại Cảng cá Nhật Lệ là không có kho lưu trữ. Họ kinh doanh dưới hình thức thu mua, sơ chế nhanh rồi đưa sang Trung Quốc bán. Hải sản bẩn, khách Trung Quốc không mua, thậm chí các hộ còn phải trả tiền lưu kho, lưu bãi tại Trung Quốc.

Tại Văn bản số 97/BNN-TCTS ngày 5/1/2018 (về việc trả lời kiến nghị của bà: Đinh Thị Phường, Võ Thị Tùng và Ngô Thị Lanh) của Bộ NN&PTNT gửi UBND tỉnh Quảng Bình đã nêu rõ tiêu chí được nhận bồi thường như sau:

“Phải được kiểm tra và xác nhận là có thật trong kho đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền kiểm kê kho hàng (có biên bản kiểm kê của cơ quan có thẩm quyền); có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chức xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được, hoặc trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hay bằng chứng chứng minh nêu trên thì phải có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư khu vực”. 18 hộ Cảng cá Nhật Lệ thuộc đối tượng “có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chức xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được” mà vẫn bị UBND tỉnh Quảng Bình từ chối.

Làm việc với chúng tôi về vụ việc này vào ngày 16/1/2018, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết: Tôi biết rất rõ các hộ này, hải sản họ mua của các tàu cá bị ảnh hưởng ô nhiễm là có thật vì trước đây tôi cũng trưởng thành từ kinh doanh nghề cá, cũng từng thu mua cá của hộ bà Phường (ông Lợi từng là lãnh đạo Xí nghiệp Đông lạnh thành phố Đồng Hới, rồi lên Chi cục trưởng Chi cục Nguồn lợi thủy sản rồi Phó Giám đốc như hiện nay) nhưng không được là... không được. Ông Lợi cũng khẳng định, sẽ báo cáo UBND tỉnh về đặc thù đặc biệt của các hộ kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ để báo cáo Trung ương xem xét giải quyết. Chẳng hiểu báo cáo của ông Lợi đến đâu, nhưng nội dung Văn bản 574 của UBND tỉnh Quảng Bình đã dập tắt niềm mong mỏi về quyền lợi chính đáng của các hộ kinh doanh nơi đây – những người đóng góp lên con số 3.179 tỷ đồng thu ngân sách 2017 của Quảng Bình.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong số báo tới.

Chúng tôi vẫn sẽ thu mua cho dân, nếu sự cố tiếp tục xảy ra

Nói với chúng tôi, bà Đinh Thị Phường (chủ cơ sở kinh doanh Quang Phường) cho biết: Nếu sự cố lần nữa xảy ra, chúng tôi vẫn thu mua hải sản cho dân, vì ngoài chúng tôi họ có biết bấu víu vào ai? Không chỉ cam kết thu mua trọn gói hàng hải sản đánh bắt được của gần 200 con tàu, hộ kinh doanh Quang Phường còn hỗ trợ cho vay gần 10 tỷ đồng cho ngư dân đóng tàu vươn khơi, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.500 ngư dân bám biển và 50 lao động tại cảng cá với mức lương chi hàng tháng khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ riêng hộ kinh doanh Quang Phường, 17 hộ còn lại cũng cùng cách làm như vậy.

Tác giả: Yến Nhi

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP