Hội nghị do Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Tràn dầu thường xảy ra trên các vùng ven biển, cửa sông. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng nhất hiện nay.
Theo thống kê sơ bộ từ năm 1992 - 2017, cả nước xảy ra 140 vụ tràn dầu tại các vùng biển, sông, ven bờ, cảng, kho xăng… gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ô nhiễm nghiêm trọng lâu dài cho môi trường. Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116km.
Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi tương đối lớn với hoạt động ngày càng gia tăng của các phương tiện vận tải biển, các cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các hoạt động vận chuyển xăng dầu... nếu xảy ra sự cố tràn dầu mà không được ứng phó kịp thời, hậu quả của nó sẽ tác động xấu đến môi trường, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Vì vậy, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu cho lực lượng kiêm nhiệm của tỉnh là một trong những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.
Tại hội nghị, các đại biểu được trang bị những kiến thức hiểu biết chung về phòng chống và khắc phục sự cố tràn dầu, công tác tổ chức và thực hành ứng phó khi có các tình huống xảy ra, phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu được giới thiệu nội dung Nghị định 30 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bài học kinh nghiệm, thực trạng và giải pháp; thông tin tổng quan của sự cố tràn dầu, hệ thống tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu Việt Nam; một số bài học kinh nghiệm, giải pháp ứng phó sự cố tràn dầu xâm nhập vào vùng nuôi trồng thủy sản và các khu vực nhạy cảm khác; giới thiệu tính năng, tác dụng các trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu...
Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc như: tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng.
Các cơ quan chức năng phối hợp, huy động mọi nguồn lực năng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố, ưu tiên hoạt động cứu người và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó gần nguồn dầu tràn để ngăn chặn, hạn chế dầu tràn ra môi trường; tăng cường công tác giám sát nguy cơ lan tỏa dầu tràn nhằm có biện pháp bảo vệ khu vực ưu tiên.
Ngoài ra, việc ứng phó phải đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ; chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện tham gia. Đơn vị, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm gây ra ô nhiễm tràn dầu.
Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và năng lực công tác tổ chức chỉ huy, hiệp đồng thực hiện công tác ứng phó sự cố tràn dầu, tìm kiếm cứu nạn cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương và chỉ huy các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, làm cơ sở chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả khi tình huống xảy ra trên địa bàn tỉnh./.
Tác giả: Võ Dung
Nguồn tin: Báo TTXVN