Quảng Bình bão số 10 đi qua giáo viên vượt lũ lên bản dạy học |
Bão số 10 đi qua đã hơn một tuần, thế nhưng hiện nay tại bản của người Rục (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn đang bị cô lập bởi nước lũ, khiến việc đến trường dạy học của nhiều thầy cô đang công tác tại các điểm trường ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, cộng đồng người Rục sinh sống tại thung lũng Rục Làn gồm 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Trước kia, đây là nơi đồi núi nên việc di chuyển đến các bản người Rục rất khón khăn. Năm 2004, nhà nước đầu tư xây dựng con đường bê tông dẫn thẳng vào bản nên việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vào mỗi mùa mưa lũ, nước lũ từ nhiều nơi kéo kéo về, ứ động lại khiến cả bản Rục Làn bị cô lập.
Hiện trên địa bàn người Rục có 6 điểm trường từ mầm non, tiểu học đến THCS nằm tại 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò Ồ Ồ, với khoảng 50 cán bộ giáo viên. Hầu hết các thầy cô giáo là người từ nơi khác đến công tác. Mấy ngày qua nước lũ vẫn đang cao khiến con đường duy nhất vào bản bị ngập. Vì vậy, để đến được các điểm trường dạy học, nhiều giáo viên buộc lòng phải gửi lại xe, di chuyển bằng đò một quãng, sau đó đi bộ hơn 5 cây số nữa mới đến được trường.
Di chuyển qua sông chỉ bằng chiếc đò loại bé, rất nguy hiểm |
Theo ghi nhận của PV, hiện mực nước ứ động tại đây sâu khoảng 3 – 4 mét, khiến bản Rục bị cô lập với bên ngoài. Vì vậy, để đi chuyển ra vào bản được thì phải bơi đò với quãng đường hơn 1 km. Trung bình mỗi chuyến đò qua lại liên tục phải mất 20 phút nên việc qua lại của các giáo viên, cùng người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Nguyễn Thành Chung (công tác tại trường Mầm non số 2 Thượng Hóa) cho biết, mấy hôm nay vì bản bị nước lũ cô lập nên thầy phải dậy từ rất sớm để có thể đến trường kịp giờ học.
“Trước kia, chạy xe máy cũng chỉ mất mấy chục phút là đến được trường. Tuy nhiên, từ khi cơn bão số 10 đi qua, nước lũ dâng cao khiến cho bản Rục bị cô lập. Các giáo viên muốn đến trường phải di chuyển bằng đò nên mất rất nhiều thời gian” – thầy Chung chia sẻ.
Cô Cao Thị Thu Hường – Phó hiệu trưởng trường Mầm non số 2 Thượng Hóa cho biết, vào mùa mưa lũ thì dường như ở đây năm nào cũng bị ngập, mỗi lần như vậy là ngập cả tuần. Mỗi năm ngập đến 4 – 5 lần khiến nhiều giáo viên di chuyển đến trường rất khó khăn.
“Trường mầm non ở đây có 12 giáo viên dạy học cho 81 trẻ tại 3 bản. Các giáo viên ở đây đều là những giáo viên nhiệt huyết. Dù mưa bão hay ngập lụt các giáo viên vẫn cố gắng đến trường để dạy học cho các em. Những ngày qua con đường chính vào bản bị ngập lụt nên các giáo viên di chuyển rất khó khăn. Một số giáo viên còn ở lại trường từ đầu tuần, đợi khi nào nước rút thì về để tiện cho việc dạy học” – Cô Hường cho hay.
Thầy Cao Tiến Thông – Hiệu Phó trường Tiểu Học và THCS Thượng Hóa cho biết, toàn trường có 36 thầy cô giáo, do nước ngập gây nhiều khó khăn nên hầu hết các thầy cô đều lưu lại trường hết. Ở đây không có điện, không có sóng điện thoại nên việc sinh hoạt của các giáo viên hết sức khó khăn.
Bản Rục Làn bị cô lập trong nước lũ |
Anh Trần Xuân Liệu, chủ bến đò, người trực tiếp lái đò đưa đón cán bộ giáo viên và người dân ở đây qua sông cho biết: “Vì thấy cái cảnh cứ vào mùa mưa là con đường vào bản bị ngập nước. Nhiều người muốn vào ra bản rất là khó khăn. Thấy vậy, tôi đã bán 3 con bò để làm chiếc đò này đưa đón người qua lại”.
“Mỗi chuyến đò cả đi lẫn về tôi lấy mỗi người 20.000 đồng, nếu kèm theo xe máy thì giá sẽ gấp đôi. Đối với một số trường hợp đặc biệt như người đâu ốm trong bản cần đi viện thì tôi sẽ vận chuyển miễn phí” – anh Liệu cho biết thêm.
Theo dự đoán, phải mất vài ngày nữa thì nước lũ mới rút hoàn toàn. Vì vậy, các giáo viên vẫn đang cố gắng đến trường dạy học bình thường. Nhiều giáo viên vẫn đang hy vọng nước lũ nhanh rút để họ có thể trở về nhà với gia đình.
Tác giả: Duy Ninh
Nguồn tin: Moitruong.net.vn