Bộ GDĐT sẽ đảm bảo bình đẳng lựa chọn SGK. |
Đảm bảo bình đẳng lựa chọn SGK
Theo đó, hiện Bộ đã hoàn thành việc xây dựng chương trình GDPT tổng thể (chương trình mới) và đang hoàn thiện để ban hành Thông tư ban hành chương trình GDPT mới theo trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định trong tháng 10/2018. Theo thiết kế, chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành, thể hiện ở các điểm sau: giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
Bộ GDĐT cũng cho hay, hiện cơ quan này đang tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn SGK theo quy định.
Trước những băn khoăn về việc Bộ GDĐT tham gia biên soạn một bộ SGK sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh trên thị trường, phía Bộ GDĐT chia sẻ: Theo quy định của Quốc hội, Bộ sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi. Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do Bộ GDĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.
Nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh…Cùng với đó, sẽ có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về lâu dài thì nên để việc làm SGK cho xã hội. Trách nhiệm của Bộ GDĐT là biên soạn chương trình chuẩn để định hướng, đồng thời, quản lý chương trình. Thị trường sẽ là yếu tố để điều tiết SGK.
Quản lý SGK điện tử thế nào?
Nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra, việc học SGK điện tử (classbook) sẽ khác với học sách in ra sao? Theo các chuyên gia, so với SGK giấy thì classbook được biên tập và phát triển thêm nhiều nội dung đa phương tiện, với những hình ảnh, chú thích, đoạn âm thanh, video, trò chơi, các thí nghiệm mô phỏng, các đoạn hội thoại ghi âm, đánh vần, từ điển và đặc biệt là các bài tập tương tác, giúp cho việc học trở nên thú vị, dễ dàng hơn và giáo viên có thể tự đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh. SGK điện tử là sản phẩm có tính xã hội cao.
Hơn 22 triệu học sinh và hơn 1 triệu giáo viên phổ thông cả nước đều là đối tượng classbook muốn hướng đến. SGK điện tử tương tác cũng sẽ giúp cho việc dạy và học trở nên lý thú và dễ hiểu hơn với những thông tin mở rộng bổ ích. Đồng thời những bài tập trắc nghiệm được chấm tự động cũng giúp học sinh tự đánh giá mức độ hiểu bài của mình.
Trên thực tế, nhiều NXB từ lâu đã cung cấp các học liệu điện tử như những nội dung gia tăng cho sách giấy, đóng gói trên đĩa CD đi kèm hoặc cho tải về qua internet.
Dẫu thế, nếu bộ SGK của Bộ GDĐT được lựa chọn thì việc tồn tại song hành hai phiên bản SGK giấy và điện tử sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy thế nào? Yêu cầu với người dạy và người học ra sao? Bởi mô hình sách điện tử hiện còn khá mới mẻ, và sẽ tạo ra thách thức cho cả phía NXB, người dạy và người học.
Hơn thế, khó khăn lớn nhất của việc số hóa sách là khối lượng sách quá lớn. Vì vậy, sẽ tốn rất nhiều thời gian và nhân lực để số hóa toàn bộ số lượng SGK trong chương trinh GDPT, nhất là khi muốn chuyển từ định dạng tĩnh sang định dạng sách điện tử tương tác để thuận tiện với người dùng hơn. Việc số hóa SGK cũng sẽ gặp khó khăn bởi thói quen xài chùa của người dùng, và việc thực hiện bản quyền ở ta- lâu nay vốn chưa được coi trọng.
Tác giả: Minh Quang
Nguồn tin: daidoanket.vn