Giáo dục

Quá tải đại trà sao ưu tiên xây trường chất lượng cao?

Sau gần 10 năm thực hiện trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội nhưng những nghi ngờ, băn khoăn về sự tồn tại và vận hành của mô hình trường này vẫn chưa được giải tỏa.

Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) mới được công nhận là trường CLC từ tháng 10.2018. ẢNH: T.M

Chất lượng cao thực ra rất... bình thường ?

Nhiều ý kiến cho rằng, dù ở môi trường công lập, tư thục hay công lập chất lượng cao (CLC), chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ là thước đo chính xác nhất. Bằng không, việc thu học phí cao, thiếu định lượng và thuyết phục người dân là những lý do chính khiến xã hội vẫn còn nghi ngại loại hình trường CLC.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, cho hay trường ông đã được UBND TP phê duyệt là trường tư thục CLC. Tuy nhiên, ông cho rằng những tiêu chí về trường CLC mà Hà Nội ban hành, áp dụng thực chất mới chỉ đáp ứng những điều kiện bình thường nhất của một cơ sở giáo dục mà các trường học trên cả nước, ngay cả vùng sâu, vùng xa cũng phải đạt được để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông.

Ông Hòa nêu quan điểm những điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình dạy học... là rất cần thiết nhưng không thể nhìn vào những chỉ tiêu đó để khẳng định đó là trường CLC. “Chúng tôi được UBND TP.Hà Nội công nhận là trường CLC nhưng chúng tôi coi đấy chỉ là điều kiện cần, còn CLC với chúng tôi sẽ là chỉ số hài lòng, hạnh phúc khi đi học của học sinh (HS); là giá trị tinh thần, kỹ năng sống; là việc chúng tôi trang bị cho HS những phẩm chất để làm người có ích”, ông Hòa nói.

Cũng không là trường chuyên, lớp chọn

Cũng theo ông Hòa, trường CLC lại càng không phải là chỉ tiêu 90% HS giỏi theo quy định hiện hành, bởi như vậy nó là trường chuyên, lớp chọn, được tuyển chọn khắt khe đầu vào. Tuy nhiên, trường CLC không thể giống trường chuyên lớp chọn được. “Quy định như vậy là rất mâu thuẫn”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho rằng, trường CLC là phải chăm lo đến từng HS, giúp mỗi học trò đều tiến bộ. Sự tiến bộ của mỗi HS chứ không phải điểm số, thành tích là thước đo chất lượng của một nhà trường...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng CLC không chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người dân khi gửi con đến trường mà chủ yếu hiệu quả giáo dục phải đến từng HS, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng HS.

Ông Hòa và ông Tùng Lâm đều cho rằng, CLC phải là khả năng hội nhập quốc tế của nhà trường, của mỗi HS, chứ không phải tự chúng ta công nhận với nhau là CLC mà ra ngoài thì không hội nhập được, không được thừa nhận.

Lo ngại biến tướng của trường bán công

Hà Nội nhiều năm qua luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Ngay ở các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy… là những địa bàn có trường CLC thì cũng là nơi quá tải nghiêm trọng về sĩ số ngay cả những trường công lập bình thường. Có những trường phổ biến hơn 60 HS/lớp. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao không dành ngân sách để xây thêm trường công lập bình thường để giảm tải cho các trường trong địa bàn mà có trường đẹp, cơ sở tốt lại phải “lo” chuyển sang mô hình trường CLC để thu học phí cao?

Theo tìm hiểu của PV, những năm qua, ngân sách đầu tư thêm để “biến” những trường công lập bình thường thành trường CLC (kể cả những trường thí điểm CLC) là khá lớn. Xây dựng mới Trường THCS Nam Từ Liêm 97 tỉ đồng, Trường tiểu học khu đô thị Sài Đồng được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí 40 tỉ đồng, Mẫu giáo Việt Triều 6,5 tỉ đồng… Tuy nhiên, ở một số trường khi chuyển sang CLC thì không tuyển đủ chỉ tiêu do phụ huynh lo tăng học phí hằng năm không rõ chất lượng đào tạo theo mô hình này thế nào.

Lý giải về việc phải xây dựng Trường THCS Thanh Xuân thành trường công lập CLC thay vì một trường công lập bình thường để giảm áp lực cho các trường công lập vốn đang quá tải trên địa bàn, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, cho rằng: Một mặt thực hiện chủ trương của TP.Hà Nội về phát triển mô hình trường CLC, mặt khác quận cũng mong muốn có môi trường giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng HS giỏi, được đầu tư đồng bộ với chi phí xây dựng cao hơn rất nhiều so với các trường khác. “Chúng tôi xây dựng trường CLC với mong muốn cho HS ở địa bàn có nhu cầu, sẵn sàng đóng học phí cao không phải “chạy” sang các quận khác để học trường CLC”, ông Hữu nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc cho phép trường công làm CLC không thể hiện được sự công bằng trong giáo dục ở chính khối trường công lập và giữa trường công lập với trường tư thục. Tại sao không để các trường tư, trường quốc tế làm?

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng, đây cũng là một bất cập. Một mặt nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng cách thức thực hiện ở các địa phương lại không đúng như vậy, không khuyến khích, tạo điều kiện cho khối trường tư thục phát triển nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt.

Ông Hòa cũng chỉ ra rằng, mô hình trường bán công đã bị xóa bỏ trong luật bởi những bất cập của nó nhưng nếu cho phép mô hình trường công lập tự chủ tài chính, thu học phí cao thì chính là một cách lách luật để thực hiện mô hình trường bán công trước đây.

Ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng về mặt nguyên tắc khi xây dựng trường công CLC thì trên địa bàn đó phải có đủ trường công lập bình thường đáp ứng hết nhu cầu học tập cơ bản của người dân, đặc biệt ở các cấp học phổ cập. Trường CLC mở ra để người dân nào có nhu cầu thì cho con theo học trên tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc họ, không cho họ có quyền lựa chọn nào.

Hai luật “vênh” nhau ?

Không ít ý kiến cho rằng theo báo cáo giải trình của Chính phủ thì luật Giáo dục (sửa đổi) sắp tới không công nhận và đưa vào luật mô hình trường công lập CLC. Tuy nhiên, luật Thủ đô thì cho phép Hà Nội thực hiện điều này. Vậy khi hai luật “vênh” nhau thì liệu có phải sửa luật Thủ đô để thống nhất một quy định trên toàn quốc hay không? Hay Hà Nội vẫn được thực hiện cơ chế đặc thù, một mình một kiểu như vậy? Nếu thực sự nó là mô hình có nhiều bất cập, tạo nên những sự không công bằng trong giáo dục công lập thì tại sao Hà Nội vẫn được thực hiện?

Tác giả: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP