Giáo dục

Phụ huynh thở ngắn, than dài sau đợt kiểm tra đầu vào lớp 1

Thời điểm này một số trường tiểu học tư thục, dân lập tại Hà Nội đã tuyển đủ học sinh lớp 1, khác hẳn quy định của khối các trường công lập là từ 1/7 mới được tuyển sinh. Còn một bộ phận phụ huynh không khỏi choáng ngợp đợt xét tuyển được ví như thi đại học của một số trường này.

Chị Thu Cúc (ngõ 118, đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) mới hôm nào còn háo hức định cho con vào học trường A (Khu đô thị mới Dịch vọng, Cầu Giấy) thì nay lắc đầu bởi vì “con bị loại ngay từ vòng gửi xe rồi”.

Lớp 1 vẫn còn gian nan. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khi con tròn 5 tuổi, chị Cúc đã lựa chọn trường định cho con theo học. Khi xác định con vào trường A chị đã đến tham quan và tìm hiểu về trường. Từ trước Tết năm 2017, chị đã đăng ký cho con tham gia một lớp như “tiền tiểu học” do nhà trường tổ chức, với mức phí 4,5 triệu đồng. Nhưng khi con đến làm quen với trường, tiếp xúc với nhiều trẻ và phụ huynh, chị Cúc mới tá hỏa về những tiêu chuẩn mà con mình còn thiếu. Chị thấy trong lớp nhiều trẻ nói tiếng Anh thành thạo; đọc thông viết thạo bảng chữ cái, ghép chữ; làm trôi chảy các phép toán trong phạm vi hàng đơn vị, hàng chục; chưa kể một số cháu còn thể hiện khả năng nói lưu loát trước đám đông, đàn hay, vẽ có hồn… mà con chị không hề có sự “chuyên nghiệp” như vậy.

Con gái chị đến nay tròn 5 tuổi, con thường xuyên được anh chị dành thời gian cho đi chơi ngoài trời. Con có khả năng độc lập và hoạt bát nhưng để được như các cháu bé chị nhìn thấy vào trường thì không được. Đây là cú sốc đầu tiên đối với chị.

Tuy nhiên, sau khi nghe thông báo học phí chị mới ngã ngửa: “Trước khi đăng ký lớp tiền tiểu học, chị được thông báo sẽ có hai mức học phí: 6 triệu đồng/tháng và 8 triệu đồng/tháng. Nhưng sau khi đợt kiểm tra đầu vào kết thúc, nhà trường thông báo chỉ còn một mức học phí là 8 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền ăn, bán trú, xe đưa đón, chi phí học các môn nghệ thuật sau giờ học chiều… thì số tiền phải nộp sẽ lên tới 12- 14 triệu đồng/tháng. Vì theo chị Thu Cúc: “Rất khó có thể đón con từ 4 giờ 40 phút. Vì vào khoảng thời gian đó bố mẹ vẫn chưa thể về, trừ khi có ông bà ở cùng”. Vậy là sau hàng loạt những lý do, chị Cúc đành cho con học một trường gần nhà.

Còn chị Nguyễn Thị Mai (Tòa nhà N07B3, Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) còn cùng với 5 phụ huynh khác mở lớp tại nhà, thuê giáo viên đến dạy tăng cường các con trước đợt xét tuyển vào trường. Mặc dù cho con theo cả lớp do trường tổ chức và lớp tăng cường ở nhà nhưng con chị đều không được như những bạn khác ứng thí.

Chị Mai chia sẻ: “Tôi không quá lo lắng về mức học phí nhưng điều tôi lo hơn cả là liệu con có thể học được trong môi trường mà các bạn khác tiếng Anh đã “bắn” như gió. Đồng thời thể hiện các khả năng nghệ thuật ở mức ưu tú. Liệu có làm con quá áp lực không?”.

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo của Hà Nội, nghiêm cấm các trường không được phép tổ chức bất kỳ hình thức thi tuyển nào. Thực tế, một số trường “lách luật” bằng cách mở các câu lạc bộ “làm quen với lớp 1” giống như “camping summer” mà nhiều trung tâm ngoại ngữ, trường quốc tế đang thực hiện. Tuy hình thức không phải kiểm tra kiến thức nhưng phụ huynh đều ngầm hiểu sẽ phải chuẩn bị cho con những kỹ năng gì thì mới có thể vào trường học.

Như vậy, cuộc đua đầu vào lớp 1 ở những trường tư thục, dân lập vẫn luôn là “trận chiến ngầm” giữa nhiều phụ huynh kỳ vọng ở môi trường giáo dục tốt hơn ở khu vực công lập.

Tác giả: HA

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP