Giáo dục

Phụ huynh hoang mang về bữa ăn học đường

Vụ việc phụ huynh ở Bắc Ninh phát hiện thịt lợn nghi nhiễm sán, thịt gà kém chất lượng trong trường mầm non khiến phụ huynh cả nước lo lắng về bữa ăn học đường của con em mình.

Cả hai con trai chị Thúy học tại Trường mầm non Thanh Khương có chung kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn. ẢNH: P.HẬU

Trên nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh có con học mầm non, tiểu học… ở Hà Nội, chủ đề vệ sinh, an toàn trong các bữa ăn bán trú của con mấy ngày qua đã trở thành đề tài được đặc biệt quan tâm. Chia sẻ nhiều lo lắng nhất vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm có thực sự an toàn và ai kiểm soát điều này.

Bức xúc khắp “làng trên, xóm dưới”

Bức xúc và lo lắng là tâm trạng của nhiều phụ huynh có con học tại Trường mầm non Thanh Khương (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) đang phải trải qua khi trong bữa ăn bán trú tại trường phát hiện thịt lợn nghi nhiễm sán, thịt gà kém chất lượng.

Các cơ sở giáo dục phải tăng cường tự kiểm tra hằng ngày; phát huy vai trò giám sát của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú

Ông PHẠM XUÂN TIẾN (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)

Chị Nguyễn Thị Thúy, nhà ở thôn Thanh Hoài, có 2 con đều dương tính với sán lợn, trong đó một cháu bị nặng sẽ lên Hà Nội nhập viện hôm nay (18.3), cho biết sự việc thịt lợn nghi nhiễm sán được phát hiện trong ngày 14.2, ngay sau đó phụ huynh kiến nghị yêu cầu nhà trường phải cho giám sát thức ăn đưa vào trường. Đến khoảng một tuần sau đó, phụ huynh tiếp tục phát hiện thịt gà đông lạnh kém chất lượng. “Thịt gà đông lạnh, các cô thái sẵn ra ngâm vào thau nước. Các cô bảo là cho muối vào khử trùng. Có một chị phụ huynh bức xúc cũng đi ra chợ mua miếng thịt gà công nghiệp về luộc thử mang ra tận trường luôn, xé ra thịt còn rất dai, không như miếng thịt ở trường. Miếng thịt ở trường luộc lên sờ nó mủn như đậu, bọn em nhìn thực tế luôn, hàng trăm phụ huynh chứ không phải mình em”, chị Thúy bức xúc nói.

Chị Trần Thị Th., nhà ở thôn Thanh Hoài, chia sẻ đưa con đi xét nghiệm vài ngày nay và đang chờ kết quả. “Thời gian gần đây, đi học về cháu hay bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, con bị vậy tôi chỉ biết đưa đến bác sĩ chứ không nghĩ con mình ở trường lại ăn những thức ăn như thế”, chị Th. nhớ lại.

Một cán bộ y tế có cháu học tại trường mầm non này thông tin với Thanh Niên, trong 2 ngày qua, Trạm y tế xã Thanh Khương đã có thông báo đến các thôn, thống kê, rà soát các gia đình đưa con em đi xét nghiệm, ghi nhận kết quả và theo dõi sức khỏe toàn bộ trẻ em đang học tại trường.

Lo ngại quy trình chọn đơn vị cung cấp thực phẩm

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi các đơn vị cung ứng thực phẩm hiện nay không biết có được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu công khai hay là lựa chọn vì “hoa hồng” cao, vì thân quen... với lãnh đạo nhà trường hoặc phòng GD-ĐT... Vụ việc xảy ra ở Trường mầm non xã Thanh Khương thì dư luận mới té ngửa khi đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường này là Công ty Hương Thành còn cung cấp thực phẩm cho 21 trường khác trên địa bàn huyện mặc dù công ty mới được thành lập. Nhiều phụ huynh cho hay họ không có thông tin gì về việc công ty này đã được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu hay không. Đến thời điểm này, sự việc mới được giải quyết ở chỗ dừng hợp đồng với Công ty Hương Thành, lãnh đạo Phòng GD-ĐT cũng không có giải thích gì thêm về việc lựa chọn công ty này.

Kết quả xét nghiệm của cháu T. (con trai chị Thúy) có mật độ sán cao gấp 3 lần bình thường

Trao đổi với Thanh Niên, một giáo viên công tác tại Trường mầm non Thanh Khương cho biết việc ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho bữa ăn bán trú do lãnh đạo nhà trường thực hiện. Các giáo viên chủ nhiệm không được lấy ý kiến, chỉ có thông báo sau khi đã ký hợp đồng. Công ty Hương Thành bắt đầu cung cấp thực phẩm vào trường học từ đầu năm học 2018 - 2019. “Bữa trưa chúng tôi đều ăn thức ăn của trường cho đến khi có video đưa lên mạng về thịt lợn nhiễm sán thì biết đó là thịt lợn ở trường mình”, giáo viên này cho biết. Sự việc thịt lợn, thịt gà kém chất lượng vỡ ra, nhiều giáo viên trong trường cũng lo lắng cho sức khỏe của mình.

Không đảm bảo bữa ăn của trẻ là “tội ác” !

Trên thực tế ở hầu hết các trường học hiện nay, mặc dù phụ huynh đóng toàn bộ chi phí (kể cả phí phục vụ bữa ăn bán trú) cho con mình nhưng hầu như họ không có quyền quyết định trong việc lựa chọn hay giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm cho các con mình. Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và chỉ sau khi vỡ lở thì phụ huynh mới biết đơn vị cung cấp thực phẩm hoặc chưa được cấp chứng nhận an toàn, hoặc không phải thương hiệu uy tín. Thậm chí có đơn vị không trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm mà nhập hàng trôi nổi từ chợ đầu mối rồi dán mác thực phẩm an toàn… để cung cấp cho nhà trường kiếm lời.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định nếu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn học đường không được quan tâm đúng thì đó là “tội ác”, bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của từng học sinh. Hiện nay, nhà trường có hai hình thức duy trì bếp ăn ở trường, đó là tự nấu hoặc ký hợp đồng thuê bên ngoài.

“Các cơ sở giáo dục phải tăng cường tự kiểm tra hằng ngày; phát huy vai trò giám sát của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, phối hợp giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp. Cần sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không được dùng các sản phẩm chưa được nấu chín trong trường học”, ông Tiến nhấn mạnh.

Quy định chặt chẽ, nhưng...

Ngày 17.3, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm và theo dõi sát sao sự việc ở Bắc Ninh và liên tục yêu cầu lãnh đạo Sở kiểm tra, giám sát, cập nhật tình hình để báo cáo Bộ. Dự kiến ngày 18.3, Sở GD-ĐT sẽ báo cáo cụ thể với Bộ GD-ĐT về sự việc này sau khi các cơ quan chức năng của tỉnh có kết luận chính thức”.

Bà Nghĩa cho rằng sự việc xảy ra ở Bắc Ninh cũng rất cần các cơ sở giáo dục trên cả nước kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Về phía cơ quan quản lý nhà nước đã có đầy đủ các quy định pháp lý về vấn đề này. Mới đây nhất, vào tháng 10.2018, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Trong đó nhấn mạnh: “Không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn; không ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...”.

Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, quy định thì chặt chẽ, đầy đủ nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của mỗi địa phương. Sở dĩ phải ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong nhà trường vì Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy thời gian qua, một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra ở một số cơ sở giáo dục đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh, sinh viên và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tác giả: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP