Ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng lên mức 1.864,44 đồng một kWh từ ngày 20/3, tương đương tăng 8,36%. Một ngày sau đó, tại một tọa đàm về việc này, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: "Bản thân chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện, bởi cũng là người dân bình thường và khi về nhà cũng phải trả tiền điện. Nhưng đây là việc buộc phải làm, đảm bảo cho các nhà máy điện độc lập ngoài EVN có nguồn đầu tư".
Theo ông, hiện tập đoàn này chỉ cấp khoảng 45% sản lượng tiêu thụ cả nước, 65% còn lại do các nhà máy điện độc lập ngoài EVN cung ứng. "Họ không có tiền đầu tư thì không có điện bán cho EVN, không có nguồn đảm bảo cho sinh hoạt, tiêu dùng và sản xuất", ông nói thêm, và nhấn mạnh tập đoàn này cố gắng điều hành hệ thống điện tối ưu, giảm sức ép tăng giá điện thời gian tới.
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN. Ảnh: Nhật Bắc |
Ngoài ra, từ ngày 20/3, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện (trong bao tiêu và trên bao tiêu) thực hiện theo giá thị trường. Khi đó, ước chi phí sản xuất điện tăng gần 6.000 tỷ đồng. Phát sinh chênh lệch tỷ giá của các nhà máy điện độc lập ngoài EVN từ năm 2017 đến nay trên 3.800 tỷ đồng...Lý do tăng giá điện thêm 8,36% một lần nữa được lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nhắc lại, khi một số yếu tố đầu vào tăng giá. Cụ thể, giá than bán cho điện đã tăng 2,6-7% từ đầu năm nay khiến chi phí phát điện tăng khoảng 5.000 tỷ đồng. Một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của TKV tăng gần 2.000 tỷ đồng.
Phương án tăng giá điện, ông Tuấn nói, đã tính tới cả yếu tố cơ cấu phụ tải điện năm 2019, ước tính hơn 240 tỷ kWh và cơ cấu nguồn điện năm nay. Theo tính toán của Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn 2019 khá căng thẳng khi dự báo thuỷ điện chỉ chiếm hơn 30%, nhiệt than 48-49%, năng lượng tái tạo khoảng 1,3%. Việc phải tăng huy động nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ở mức cao, trong khi nước về các hồ thuỷ điện ít, khô cạn.
Kế hoạch năm nay EVN sẽ phải chạy khoảng 1 tỷ kWh điện bằng nguồn dầu giá cao DO để đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam vào mùa nắng nóng.
Ông Anh Tuấn cũng cho biết trong năm nay, một số khoản chi phí ngành điện phải trả bằng USD, chênh lệch tỷ giá là 1,36%. Ngoài ra, EVN vẫn còn một khoản chênh lệch tỷ giá phải phân bổ dần vào giá điện trong giai đoạn 2016-2020.
Cũng tại toạ đàm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều chỉnh giá điện rơi vào quý I giúp Chính phủ, các cơ quan quản lý chủ động đưa ra chính sách điều hành vĩ mô.
"Trước đây nhà nước bảo trợ nhưng giờ than, khí đầu vào cho sản xuất điện đã theo giá thị trường và các khoản tồn đọng đến giờ phải phân bổ dần dần", ông Lực nói và nhìn nhận, đây là thời điểm tương đối thuận vì giá cả các mặt hàng trên thế giới như dầu, than về cơ bản được dự báo gần như không tăng tạo mặt bằng không quá lớn tác động đến lạm phát của Việt Nam.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng một kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.
Tính toán số tiền phải trả thêm hàng tháng của hộ gia đình sử dụng điện khi giá điện tăng. |
Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 là 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên. Các mức giá này cũng chưa gồm thuế VAT.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình sử dụng điện ở mức 7.000 - 77.200 đồng một tháng, tuỳ theo mức điện năng tiêu thụ. Khoản tiền điện phải trả thêm của hộ sản xuất và hộ dùng điện theo giá kinh doanh khoảng 500.000 đồng một tháng. Với hộ dùng điện sản xuất, số tiền trả bình quân mỗi tháng hiện gần 12,4 triệu đồng. Khi giá điện tăng lên thì số tiền trung bình mỗi hộ phải trả thêm gần 870.000 đồng một tháng...
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: Báo VnExpress