Mới đây, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Trong đó, bộ GD&ĐT cho rằng khái niệm “học phí” cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo”. Thông tin này đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận.
Thêm vào đó, không ít người đặt ra câu hỏi thay “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” liệu có đưa nền giaó dục nước nhà phát triển hơn?
Trước những thắc mắc xoay quanh việc thay “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với PGS.TS. Bùi Hiền.
Theo đó, PGS.TS Bùi Hiền tỏ ra bất ngờ, bởi ông chưa nghe đến thuật ngữ này cũng như chưa có thời gian để được ai giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ nói trên.
PGS.TS Bùi Hiền nói: “Gần đây có bộ GTVT cũng đổi “thu phí” thành “thu giá” chứ không riêng gì bộ GD&ĐT đưa ra những thuật ngữ mới.
Thuật ngữ thuộc về ngôn ngữ học, mỗi một ngành học có những ngôn ngữ học chuyên ngành khác nhau.
Muốn tìm hiểu những cụm từ trên cần phải hỏi ngay những người đề ra thuật ngữ đó, nội hàm của thuật ngữ này dùng để làm gì? Nếu giải thích thuận thì dư luận chấp nhận, còn nếu giải thích quanh co, không ai hiểu thì lúc bấy giờ mới bàn”.
PGS.TS Bùi Hiền không tán thành coi giáo dục là dịch vụ. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới, trong đó Bác Hồ đã nói về nhiệm vụ của những người thầy giáo với sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, điều này đồng nghĩa với việc giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng, nếu áp vào khái niệm mới mà Bộ trưởng bộ GD&ĐT nêu thì nhiều người cho rằng giáo dục đang bị thương mại hóa.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học bộ GD&ĐT trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Thuật ngữ giá dịch vụ đào tạo được đưa ra tại dự thảo sửa Luật Giáo dục đại học vì điều này không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như: Nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/không sử dụng ngân sách Nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… nên gọi chung là Giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này”.
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Hiền cho biết: “Việc bà vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học hay bất cứ ai giải thích lý do dùng thuật ngữ “giá dịch vụ đào tạo” là do họ suy nghĩ vậy, còn hiện tại dư luận có tán thành hay không tán thành thì cần phải bàn một cách nghiêm túc, cần có thời gian để phân tích”.
Chốt lại vấn đề, PGS.TS Bùi Hiền nói: “Tóm lại tôi không tán thành việc coi giáo dục là một dịch vụ".
Tác giả: Thanh Lam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin