Pháp luật

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 10 - 11 năm tù

Với việc tích cực giúp Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM -Trung Lương, ông Đinh La Thăng bị VKS đề nghị 10 - 11 năm tù.

Sáng ngày 18/12, phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và các bị cáo bước vào ngày xét xử thứ 5.

Trước khi tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKS) trình bày quan điểm về vụ án.

Theo đại diện VKS, dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một trong những công trình thực hiện chủ trương xây dựng công trình giao thông trọng điểm của Nhà nước.

Quá trình thực hiện dự án, một bộ phận cán bộ trong cơ quan Nhà nước đã lợi dụng vị trí công tác trong việc phân công nhiệm vụ để gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Hội đồng xét xử

Vụ án này minh chứng lợi ích nhóm, lợi ích tiêu cực đã ảnh hưởng đến nguồn lực đất nước, giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở điều tra đã làm rõ dự án này hình thành từ vốn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.

Bị cáo Đinh La Thăng, với cương vị là Bộ trưởng GTVT, được Nhà nước giao quản lý xây dựng quyền thu phí cao tốc, nhận thức rõ là tài sản Nhà nước, cần tìm đối tác để tối ưu hóa quyền thu phí, thu lại tài sản cho Nhà nước đã bỏ ra đầu tư.

Ông Đinh La Thăng

Tuy nhiên, sau khi có đề án, bị cáo đã giới thiệu để Đinh Ngọc Hệ tiếp cận có chủ đích ngay từ khâu đấu giá bán quyền thu phí để Hệ có điều kiện gian dối, chiếm đoạt tài sản, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Bị cáo Nguyễn Hồng Trường với vai trò là thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dù nắm rõ các quy định về bán đấu giá tài sản Nhà nước nhưng chỉ đạo cho đơn vị trúng thầu nộp tiền làm 3 lần, trái với quy định Thông tư liên tịch của Bộ GTVT; ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí.

Trong đó cho phép Hội đồng bán chỉ định khi chỉ có 1 người tham gia đấu giá; ký văn bản thông báo cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Từ đó dẫn đến hậu quả Công ty Yên Khánh không đủ năng lực tài chính được tham gia đấu giá và trúng đấu giá, trái với Nghị định 17/2010 NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 05 của Bộ GTVT.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ

Đối với bị cáo Đinh Ngọc hệ, VKS nhận định mặc dù tại tòa Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, có đủ cơ sở xác định bị cáo đã chỉ đạo thực hiện các hành vi gian dối để đưa công ty của mình tham gia dự án khi không đủ điều kiện.

Sau đó, Hệ dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống thu phí để trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại tòa có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm vào tội như cáo trạng đã truy tố.

Từ nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10 - 11 năm tù; Nguyễn Hồng Trường 6-7 năm; Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) 5 - 6 năm cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đinh Ngọc Hệ với mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 13 - 14 năm tù về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp cả hai tội là chung thân.

Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng đốc điều hành Công ty Đức Bình, một trong các công ty của Đinh Ngọc Hệ) mức án 11 - 12 năm.

Tô Ngọc Hùng (Kế toán trưởng, phụ trách toàn bộ tài chính của Công ty Yên Khánh) 11 - 12 năm cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo khác trong vụ án cũng bị đề nghị từ 3 - 4 năm và 7 - 8 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền hơn 725 tỷ đồng.

Tác giả: Thanh Phương - Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP