Pháp luật

Ông Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Bộ GTVT hầu tòa vụ thất thoát hơn 725 tỷ đồng

Tạo điều kiện cho “Út trọc” trúng thầu thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng và hàng loạt cán bộ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khiến Nhà nước thiệt hại hơn 725 tỷ đồng.

Hôm nay (14-12), TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng (SN 1960, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT) và Nguyễn Hồng Trường (SN 1957, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) cùng 5 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Liên quan tới vụ án, Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", SN 1971, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng ) và 12 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Bị cáo Đinh La Thăng bị dẫn giải tới phiên tòa.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị hại trong vụ án là Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tòa án cấp sơ thẩm đã triệu tập 14 pháp nhân cùng 11 cá nhân tới tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 25-12 tới đây.

Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan. Riêng bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa gồm luật sư Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) và luật sư Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn, Nguyễn Văn Tuý (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Ngoài ra, có hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường. Bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ có 5 luật sư. Ngoài ra, 26 luật sư khác tham gia bào chữa cho các bị cáo còn lại.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc".

Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Đinh La Thăng (thời điểm xảy ra vụ án là Bộ trưởng Bộ GTVT) với vai trò là người đứng đầu Bộ GTVT, được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đã ký văn bản đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.

Tháng 2-2012, khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương bán lại quyền thu phí cao tốc này cho doanh nghiệp khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng, bị cáo Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để giới thiệu công ty của Đinh Ngọc Hệ (là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) tiếp cận và tham gia mua quyền thu phí. Sau đó, bị cáo Thăng tạo điều kiện để công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cáo trạng xác định, bị cáo Đinh La Thăng nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí nhưng bị cáo vẫn phớt lờ, cố tình tạo điều kiện cho Công ty Yên Khánh đang thua lỗ của Đinh Ngọc Hệ giành quyền thu phí cao tốc.

Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng còn được xác định đã bút phê đề xuất để cho Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và đề nghị cho Công ty Yên Khánh cấu trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.

Đối với Đinh Ngọc Hệ, sau khi được bị cáo Đinh La Thăng giúp trúng đấu giá quyền thu phí, bị cáo này có nhiều hành vi là cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt tài sản và khiến Nhà nước thất thoát hơn 725 tỷ đồng.

Tài liệu truy tố các bị cáo trong vụ án xác định, bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ gây hậu quả đặc biệt lớn, thất thoát hơn 725 tỷ đồng.

Trong vụ án, cáo trạng VKSND Tối cao cũng xác định, còn có nhiều người liên quan có sai phạm của bị cáo Đinh La Thăng nhưng chưa tới mức phải xử lý hình sự, trong đó có ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng GTVT.

Tác giả: Lâm Nga

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP