Giáo dục

"Núi" áp lực đè, giáo viên chai lì cảm xúc

Từ chuyên môn đến chủ nhiệm, giáo viên hàng ngày lên lớp đang phải chịu áp lực từ hàng trăm đầu việc không tên, trong đó có cả thi đua để lập thành tích. Mặt trái của vấn đề này chính là các giáo viên đang bị quay cuồng, thiếu không gian để nuôi dưỡng và duy trì cảm xúc.

Làm chủ cảm xúc cuả mình là một kỹ năng quan trọng của giáo viên. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Thầy Đăng Du, Trường THPT Lê Qúy Đôn, TP.HCM, cho hay giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực từ trong chuyên môn đến chủ nhiệm. Trong chuyên môn, hiện nay để đánh giá thi đua vẫn là tỉ lệ điểm bài thi có so sánh với giáo viên khác. Đối với giáo viên dạy lớp 12 còn có thêm so sánh tỉ lệ điểm môn thi THPT với tỉ lệ của địa phương. Do vậy, để đạt được kết quả cao, giáo viên không còn cách nào khác là nhồi nhét hoặc gây áp lực lại cho học sinh bằng cách cho nhiều bài tập, cho điểm thấp để học sinh sợ mà học. Trong công tác chủ nhiệm, giáo viên bị nhiều áp lực hơn đó là các đợt thi đua của nhà trường và từ học sinh phụ huynh.

“Trong các đợt thi đua của nhà trường có rất nhiều khoản từ chuyên cần, tiết học tốt, kỉ luật, mà nếu sơ sẩy thì sẽ bị trừ điểm. Lớp không đạt thi đua sẽ đánh giá năng lực chủ nhiệm yếu, bất kể là giáo viên đó chủ nhiệm lớp tốt hay lớp xấu. Ngoài ra, mỗi năm sẽ có 2 đợt thi đua lớn vào ngày 20/11 và ngày 26/3. Trong hai đợt này giáo viên sẽ phải làm trăm công ngàn việc”, thầy Du nói và cho hay hiện nhiều phụ huynh lên mạng lúc nào cũng nghĩ cách giáo dục của mình là đúng, con của mình là ngoan và coi giáo viên như người làm công nên cách hành xử khủng khiếp.

Đặc biệt từ khi có mạng xã hội, giáo viên thêm áp lực xã hội nên làm gì cũng bị soi theo hướng tiêu cực hơn tích cực.

Thầy Du cũng thống kê hàng “núi” công việc của mình trong một năm học. Hàng năm giáo viên sẽ phải tham gia hàng núi công việc như họp tổ, học chính trị, làm bài thu hoạch chính trị, tham gia các phong trào như ca hát, làm tiểu cảnh, làm sáng kiến kinh nghiệm, thao giảng biểu diễn…

Còn cô Trần Thị Thảo, một giáo viên ở quận Thủ Đức cho hay, áp lực thi đua trong trường học đối với giáo viên rất khủng khiếp. Ngay cả việc nhỏ nhặt như trang phục việc học sinh nam có sơ vin, học sinh nữ mặc áo dài cũng liệt vào quy định tính thi đua.

“Ngày trước trường đặt ra quy định học sinh nam sẽ phải sơ vin, nếu em nào không thực hiện thì bị trừ điểm. Cuối tuần lớp nào bị trừ nhiều thì xếp loại trong tuần kém. Sáng thứ Hai sẽ bêu lên trong lễ chào cờ nên thành nỗi ám ảnh của giáo viên chủ nhiệm”. Ngoài thi đua ở lớp, ở trường giáo viên cũng phải thi đua cùng với thi đua của nhà trường để đạt trường chuẩn quốc gia.

Cách đây chưa lâu, một trường học ở TP.HCM đã đưa ra quy ước thi đua như, giáo viên không tham gia các cuộc thi về chuyên môn các cấp như thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên dạy tốt, thi giáo viên viết chữ đẹp sẽ bị trừ 5 điểm. Quy định này dù ở tự nguyện nhưng đã đẩy giáo viên vào tình thế không tham gia không được.

Cô Trần Ngọc Hân, giáo viên tiểu học ở TP.HCM, cũng cho hay vì thành tích thi đua giáo viên, cô cũng đang phải làm hàng trăm việc không tên. Chưa kể tham gia phong trào giáo viên viết chữ đẹp, thao giảng hay, nấu ăn giỏi, đến cả như thu hộ, chi hộ đầu năm, hay vận động xã hội hóa giáo dục cũng trở thành thi đua.

GS.TS Phan Văn Kha, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng giáo viên đứng trước nhiều sức ép từ chính chuyên môn nghề nghiệp, môi trường sư phạm nhà trường và các điều kiện hoạt động nghề,... lên hoạt động dạy học, giáo dục của giáo viên. Hay áp lực do chính các nhà trường tạo ra.

Bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục đặc biệt là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đặt ra các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và phong cách, phẩm chất nghề nghiệp tạo ra nhiều áp lực chuyên môn nghề nghiệp với giáo viên.

“Các áp lực chuyên môn nghề nghiệp ngày càng đè nặng lên người giáo viên, trong khi năng lực, trình độ được đào tạo của giáo viên còn hạn chế, các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học không đáp ứng yêu cầu.

Chưa kể, ở nhiều trường, địa phương có tình trạng thiếu giáo viên, dẫn đến nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm các môn mà thậm chí chưa được qua đào tạo, gây quá tải và tạo ra căng thẳng”, ông Kha nói.

Theo ông Kha, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên còn chịu nhiều áp lực từ công tác quản lý, từ các cơ chế và chính sách trong quản lý nhà trường, từ các quy định mà người giáo viên phải tuân thủ.

“Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, các đợt thanh kiểm tra của các cấp quản lý, đánh giá và sát hạch giáo viên tạo ra không ít áp lực đối với giáo viên. Chính sách tuyển lao động theo hợp đồng ở nhiều địa phương hiện nay gây tình trạng việc làm không ổn định, thu nhập thấp và đời sống khó khăn đã và đang tạo ra những áp lực nặng nề đối với giáo viên”.

Hiện nay giáo viên cũng phải chịu nhiều áp lực từ xã hội, cộng đồng, do các dư luận xã hội thiếu tích cực từ các phương tiện thông tin đại chúng đối với giáo dục, giáo viên và sự tôn trọng đối với nghề dạy học.

“Thực tế cho thấy áp lực của giáo viên còn nảy sinh ngay chính bên trong nhà trường, do chính nhà trường tạo ra hay do chính bản thân giáo viên tạo ra xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu của nhà trường hay chính giáo viên. Đồng thời nhiều áp lực đối với giáo viên còn do bệnh thành tích của chính giáo viên/nhà trường tạo ra”.

TS. Phạm Thị Kim Anh (Trung tâm Nghiên cứu giáo viên, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) dẫn công bố của Quỹ Hòa bình và Phát triển về nghiên cứu giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông: “Mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định (40 giờ/tuần), cấp THCS là gấp 1,7 lần và THPT gấp 1,8 lần, trong khi đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân”.

Ngoài những công việc trên, theo bà Kim Anh, giáo viên còn phải học tập, bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi các cấp, các hoạt động văn nghệ thể thao,...

Theo bà Kim Anh, từ giáo viên cho đến các nhà trường phổ thông hiện nay đều khổ sở, bội thực vì báo cáo, hồ sơ, giấy tờ, sổ sách (kế hoạch dạy học theo kỳ/năm; thiết kế bài giảng; sổ báo giảng; sổ dự giờ; sổ chuyên môn, sổ ghi điểm, các báo cáo định kỳ,...)

Cùng đó là những áp lực từ các cuộc thi và phong trào thi đua của trường, của ngành.

“Giáo viên phổ thông ngày càng bội thực quay cuồng với các cuộc thi. Nếu chỉ tính riêng các cuộc thi dành cho giáo viên đã có rất nhiều loại như: giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm,... Các cuộc thi của giáo viên và học sinh trong năm học đã và đang vắt kiệt sức lao động và chiếm hết quỹ thời gian dành cho việc dạy học”.

Bà Kim Anh cho rằng áp lực từ bệnh thành tích là nỗi sợ và nỗi ám ảnh đại đa số giáo viên hiện nay. Giáo viên nào không chạy theo guồng máy thành tích thì bị coi là cá biệt, chống đối. Cả hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với tập thể. Do đó giáo viên phải chạy theo dù vẫn biết bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, thậm chí phải đồng lõa với cái xấu trong nghiệp làm thầy.

“Thực tế này đã nói lên phần nào sự quá tải trong lao động sư phạm. Nhưng nếu chất lượng dạy học, giáo dục không tốt thì mọi thứ đổ lên đầu giáo viên cả. Giáo viên phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh và nhà trường về chất lượng dạy học, về kết quả thi, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp và về nhân cách học sinh”.

Áp lực cũng đến từ việc quản lý, giáo dục học sinh. “Đây là vấn đề vô cùng khó khăn. Có thể nói đạo đức học sinh giờ đây đang thách thức năng lực của người thầy. Thực tế cho thấy do học sinh được nuông chiều lại được Luật Giáo dục, Luật bảo vệ trẻ em ban cho nhiều quyền nên nhiều em càng trở nên khó giáo dục. Bất cứ người thầy nào đứng trên bục giảng cũng đều thấy bức xúc, mệt mỏi trước thực trạng này, nhưng phải ngậm bồ hòn, thậm chí phải vô cảm làm ngơ để dạy cho xong tiết và tránh xung đột với học sinh và phụ huynh. Chính thái độ khó bảo, thiếu tôn trọng của học sinh khiến nhiều giáo viên cảm thấy bị xúc phạm và muốn rời bỏ nghề hơn là do áp lực từ công việc dạy học”.

Tác giả: Lê Huyền - Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP