Với các đề án tuyển sinh của các trường ĐH đã được công bố, trong năm 2018 có 5 phương thức xét tuyển chính: 1. Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia;
2. Xét tuyển theo học bạ THPT;
3. Tuyển thẳng;
4. Ưu tiên xét tuyển;
5. Xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức.
Trong 3 năm liên tiếp vừa qua, phần lớn chỉ tiêu của các trường ĐH được xét tuyển qua 2 phương thức (1) và (2).
Lý thuyết có nhiều phương thức xét tuyển
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường ĐH phải tuyển thẳng học sinh là thành viên tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế hoặc là thành viên đội tuyển tham dự cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc tế; học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; học sinh đoạt giải quốc tế về TDTT, năng khiếu nghệ thuật, mỹ thuật; học sinh đoạt giải kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế.
Tuy nhiên, những học sinh thuộc diện này sau khi có kết quả được xét tuyển thẳng phải xác nhận nhập học (thực chất là nộp giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ) trước 17 giờ ngày 23-7, nghĩa là trước thời hạn các trường ĐH xét tuyển đợt 1 theo phương thức dựa trên điểm thi THPT quốc gia (từ ngày 3 đến 5-8). Như vậy, nếu chấp nhận kết quả được xét tuyển thẳng, học sinh sẽ không còn dữ liệu (và giấy chứng nhận kết quả thi) để tham gia xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT quốc gia.
Nhiều trường ĐH như các trường thành viên ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing... đã mở rộng diện tuyển thẳng (ưu tiên xét tuyển) đến các học sinh trường chuyên và các trường THPT có kết quả thi THPT quốc gia thuộc top 100, top 200 trên cả nước. Các đối tượng học sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trước khi thi THPT quốc gia. Kết quả xét trúng tuyển cũng được công bố thậm chí trước khi có kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, cũng như phương thức tuyển thẳng, học sinh trúng tuyển theo diện ưu tiên xét tuyển cũng phải xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 23-7.
Một số trường ĐH có tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thí sinh như Trường ĐH Luật TP HCM, các trường thành viên ĐHQG TP HCM... Tuy nhiên, dù là cơ hội xét tuyển thêm (như các trường thành viên ĐHQG TP HCM) hoặc là kỳ thi bắt buộc phải tham gia để xét tuyển (Trường ĐH Luật TPHCM), các thí sinh trúng tuyển kỳ thi đánh giá năng lực cũng phải xác nhận nhập học trước thời hạn các trường ĐH xét tuyển đợt 1, do đó cũng không thể tham gia xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
Học sinh lớp 12 tại TP HCM ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Tấn Thạnh) |
Thực tế chỉ được chọn một cửa trúng tuyển
Vấn đề nằm ở chỗ ngoài phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, nếu được xét trúng tuyển theo các phương thức khác, khi làm thủ tục nhập học, thí sinh đều phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, mà mỗi em chỉ có một bản! Điều này nằm trong mong muốn "chống trúng tuyển ảo" của các trường ĐH, không để thí sinh được đồng thời trúng tuyển và nhập học ở nhiều trường khác nhau, tránh cho công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường gặp khó khăn.
Như vậy thật ra, xét tuyển theo học bạ THPT mới chính là cơ hội lớn nhất cho mọi thí sinh nhưng hiện nay lại chỉ có hơn 100 trường ĐH (trong tổng số gần 250 trường), phần lớn là các trường tư thục và các trường ở địa phương, các chương trình học phí cao... xét tuyển theo phương thức dựa trên học bạ THPT. Học sinh muốn vào học các trường ĐH có độ cạnh tranh tuyển sinh cao tuy có nhiều lối đi đến (nhiều phương thức xét tuyển) nhưng chỉ có một cửa duy nhất.
Tác giả: Nguyễn Đức Nghĩa
Nguồn tin: Báo Người lao động