Giáo dục

Nhiều nhà xuất bản dè dặt tham gia thị trường sách giáo khoa

Nhiều nhà xuất bản đang cân nhắc làm sách giáo khoa vì phải đầu tư lớn, rủi ro cao do phải cạnh tranh với bộ sách của Bộ Giáo dục.

Ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền xuất bản sách giáo khoa suốt 60 năm (1957-2017), từ năm 2017 có thêm nhà xuất bản của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM và Đại học Huế được tham gia lĩnh vực này.

Nhà xuất bản Đại học Huế đang cùng Đại học Sư phạm Huế nghiên cứu làm sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đã được lãnh đạo Đại học Huế phê duyệt.

Giám đốc Đại học Huế, ông Nguyễn Quang Linh, cho rằng hoạt động biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cần chi phí lớn, nhưng nhiều rủi ro. Trường rất lo không biết sách làm ra có được hội đồng thẩm định thông qua để lưu hành, bán trên thị trường vì quan điểm về chất lượng mỗi người mỗi khác. Việc có được nhiều nhà trường lựa chọn đưa vào giảng dạy cũng là bài toán cần suy tính.

Để tránh cảm tính trong thẩm định sách giáo khoa và là cơ sở để các nhà xuất bản yên tâm, ông Linh cho rằng cần một bộ tiêu chuẩn rõ ràng cho sản phẩm. Bộ tiêu chuẩn đó, ngoài việc chỉ ra những yêu cầu, định hướng xây dựng nội dung, phương pháp tiếp cận, còn phải định lượng cụ thể tiêu chuẩn giấy, phông chữ...

Có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nhiều năm viết sách, Đại học Huế không lo lắng về chuyên môn khi thực hiện cả bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, vì những rủi ro lớn của hoạt động này và tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, Đại học Huế chỉ định hướng làm một vài cuốn trong bộ sách giáo khoa.

Sách giáo khoa hiện chỉ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nhà xuất bản Văn học từ lâu có ý tưởng tham gia thị trường sách giáo khoa, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Trừ văn học, đơn vị này không đủ năng lực chuyên môn bao trùm các lĩnh vực một bộ sách giáo khoa đòi hỏi.

"Sách giáo khoa phải chuẩn chỉ từ khái niệm, nội dung kiến thức..., không chấp nhận sai sót. Không phải nhà xuất bản nào cũng có năng lực ở nhiều chuyên môn. Đây là lý do chủ trương xóa độc quyền xuất bản sách giáo khoa đã có từ lâu, được Luật hóa, nhưng thực tế chưa thực hiện được", Giám đốc Nhà xuất bản Văn học - ông Nguyễn Anh Vũ nói.

Một khó khăn khác khiến các nhà xuất bản e dè tham gia thị trường sách giáo khoa, theo ông Vũ là do tiềm lực kinh tế có hạn. Các chi phí liên quan đến đội ngũ tác giả, in ấn... sách giáo khoa đều cao. Việc phát hành tất cả sách, của các nhà xuất bản hiện nay đều phải có chiết khấu cho công ty/đại lý phát hành với tỷ lệ khác nhau, phụ thuộc vào chi phí đầu tư ban đầu.

Đại diện một nhà xuất bản cho rằng Bộ Giáo dục tham gia biên soạn, xuất bản một bộ sách giáo khoa, khiến cuộc canh tranh thị phần phát hành khó có thể công bằng. Các nhà trường, phụ huynh học sinh với thói quen dùng sản phẩm của Bộ để đảm bảo tiêu chuẩn Bộ đặt ra, sẽ khó lựa chọn bộ sách giáo khoa khác, dù chất lượng tương đương. Đây là rủi ro lớn dễ nhìn thấy, khiến các nhà xuất bản băn khoăn việc tham gia thị trường đã bị độc quyền 60 năm qua.

'Làm sách giáo khoa phải bỏ qua toan tính về lợi nhuận'

Đánh giá chất lượng sách giáo khoa hiện nay, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội - bà Phạm Thị Trâm cho rằng, có những sách hay nhưng cũng nhiều cuốn bị lặp lại nội dung kiến thức, không có thông tin gợi mở, khơi gợi được hứng thú học tập cho học sinh.

Bà ví dụ sách giáo khoa Ngữ văn hơn 40 năm qua chỉ giới thiệu tác phẩm của khoảng 20 tác giả cũ. Trong khi đó văn học Việt Nam và thế giới từ những năm 1986 có chuyển biến mạnh, xuất hiện hàng chục nghìntác phẩm mới với những tác gia trẻ nổi bật. Sự chuyển mình này và những xu hướng, khuynh hướng sáng tác, nghệ thuật mới... không được cập nhật trong sách giáo khoa.

"Chúng tôi mong muốn sẽ làm được một bộ sách giáo khoa chuẩn mực về nội dung kiến thức, thay đổi được tư duy học tập của học sinh. Các em vào đó sẽ không phải để ê a học thuộc mà để tìm kiếm và được gợi mở khám phá tri thức mới", bà Trâm nói.

Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia xác định, việc cho ra một bộ sách giáo khoa mới, chất lượng cao, là trách nhiệm xã hội mà đơn vị này cần thực hiện do có hậu thuẫn là Đại học Quốc gia Hà Nội - môi trường tập trung nhà khoa học hàng đầu các lĩnh vực có thể tham gia viết sách. Nhà xuất bản sẽ xin ý kiến lãnh đạo Đại học Quốc gia và các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống để thống nhất chủ trương làm bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nếu đề xuất được thông qua, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ không vội vã cho ra luôn bộ sách mới. Giám đốc Phạm Thị Trâm cho biết muốn chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc nghiên cứu, học hỏi sách giáo khoa của các nước để xác định mô hình, kiến thức... sử dụng trong bộ sách giáo khoa của mình.

"Không phải thấy nhà xuất bản khác nhào vào viết sách thì mình bằng giá cũng chạy đua ra sách, chiếm lĩnh thị trường. Đằng sau sự thay đổi một bộ sách giáo khoa là thay đổi về tư duy, nhận thức, kiến thức... của nhiều thế hệ. Làm sách giáo khoa do đó phải vô can, bỏ qua toan tính về lợi nhuận và xác định mục tiêu vì sự phát triển của xã hội, mới có thể làm tốt được", bà Trâm nói.

Việc đả thông tư tưởng làm sách giáo khoa không vụ lợi, để cống hiến cho cộng đồng, theo Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, là điều khó nhất khi các đơn vị tham gia vào hoạt động này. Bởi chi phí làm một bộ sách lớn, không phải nhà xuất bản nào cũng có thể đầu tư. Cũng vì lợi ích tài chính khi chấp nhận bỏ ra khoản tiền rất lớn nên khó tránh khỏi các nhà xuất bản cạnh tranh không lành mạnh để chiếm lĩnh thị trường.

Một số người cơ hội cũng có thể cắt sửa sách giáo khoa cũ để tạo ra sản phẩm "mới" rồi dùng chiêu trò, dựa vào mối quan hệ, để được các nhà trường lựa chọn sử dụng. Việc thẩm định sách giáo khoa và kiểm soát hoạt động của thị trường này, theo bà Trâm, cần được lưu tâm đặc biệt.

Nghị quyết 88 (năm 2014) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội quy định: thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ sử dụng thống nhất một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, do Nhà xuấ bản Giáo dục Việt Nam phát hành theo Luật giáo dục.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) từ khi thành lập năm 1957 đến 2017 là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản sách giáo khoa. "Việc có duy nhất đơn vị được tổ chức xuất bản, phát hành sách giáo khoa trong suốt 60 năm qua dẫn đến nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền, hạn chế cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán", dự thảo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng nêu rõ.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP