Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo về thực trạng đáng báo động trong sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng do thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu than.
Theo EVN, tại các cuộc họp giữa các bên trước đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cam kết cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất. Tuy nhiên, thực tế lượng than cấp cho các nhà máy từ đầu tháng 11 tới nay vẫn ít hơn so với khối lượng than tiêu thụ. Những ngày gần đây, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ tại các nhà máy đã bị giảm xuống rất thấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, giải thích kế hoạch sản xuất năm 2018 của đơn vị phải đạt 6,4 tỉ KWh, cần khoảng 3,4 triệu tấn than nhưng hiện nay thiếu nghiêm trọng. "Từ ngày 17-11 đến nay, 2 trong 4 tổ máy phải dừng vận hành, khiến sản lượng điện giảm sút hơn 10 triệu KWh/ngày, tương đương với 13 tỉ đồng" - ông Hạnh nói.
Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đã cạn nguồn than để sản xuất điện |
Theo Chỉ thị 21 của Chính phủ, hiện nay chỉ có 2 đơn vị được cung cấp nhiên liệu than cho nhà máy là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Do đó, dù có rất nhiều khách hàng có thể đủ điều kiện cung cấp nhiên liệu nhưng doanh nghiệp (DN) không được phép thương thảo. Đến nay, Tổng Công ty Đông Bắc đã cấp vượt kế hoạch, ngoài ra đã cấp bổ sung thêm 100.000 tấn than. Trong khi đó, TKV mới cấp đủ 2,6 triệu tấn than, còn 10% theo hợp đồng TKV không cấp, phần thiếu hụt này thì TKV chưa đồng ý cấp bổ sung với lý do không có than.
Trước những khó khăn này, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đã nhiều lần gửi công văn đến Bộ Công Thương, EVN nhờ can thiệp. Gần đây nhất, ngày 27-11, công ty có công văn kêu cứu gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị có ý kiến với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nỗ lực, tìm giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN này có đủ nguồn than để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho 2 tháng cao điểm mùa khô cuối năm 2018. Trong lúc nguồn cung khó khăn như hiện tại thì cho phép công ty được chủ động tìm nguồn cung khác.
Nhận định về nguyên nhân, ông Hạnh cho rằng có thể việc tính toán đầu tư khai thác không chính xác giữa nhu cầu cấp than ra thị trường và cấp cho nhiệt điện. Lý do khác là có thể do sức ép về giá, khi bán cho nhiệt điện lợi nhuận không cao, ảnh hưởng đến sản xuất của TKV trong bối cảnh nguồn khai thác đang khan hiếm dần. Ông Hạnh thông tin thêm trên hệ thống của tập đoàn hiện nay một số nhà máy nhiệt điện như: Nghi Sơn, Ninh Bình, Phả Lại, Hải Phòng cũng đang cảnh báo lượng than tồn dự trữ đã cạn, hoạt động sản xuất đang lao đao.
Ông Nguyễn Thường Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, cũng trần tình: "Có những ngày đơn vị chỉ được cung cấp 2.000-3.000 tấn than, trong khi 4 tổ máy (công suất 300 MW/tổ) hoạt động hết công suất cần tới 12.000 tấn/ngày". Theo ông Quang, sản lượng điện sản xuất trong năm 2018 của đơn vị là 7,1 tỉ KWh nên lượng than nhiên liệu cần cung ứng khoảng 3,4 triệu tấn. Đến thời điểm hiện tại, DN mới được cung ứng hơn 2 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai thuộc TKV, cho biết công ty là đối tác cung cấp than cho Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh. Từ nay đến cuối năm sẽ cung cấp đủ 2,6 triệu tấn than cho Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh như hợp đồng đã ký kết. Công ty đang cân đối để cung cấp thêm khoảng 200.000 tấn than cho nhà máy này.
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: Báo Người lao động