Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Dự báo, các tháng cuối năm nay, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành. Điều này được nhận định sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn 90% rau quả của Việt Nam là xuất khẩu thô. |
Cụ thể như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm); nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm)…
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 74% thị phần. Một số thị trường khác có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan (tăng 35%), Úc (tăng 31,6%), Hoa Kỳ (tăng 30,8%) và Hàn Quốc (tăng 24,2%).
Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, chủ yếu là rau quả thô hoặc sơ chế với tỷ trọng lên tới 90,3%. Các loại rau quả đã qua chế biến chỉ chiếm 9,7%. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo cả năm nay, ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo VOV