Giáo dục

Nhà giáo ưu tú tuổi 34 ở miền núi Bình Phước

Là giáo viên trẻ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” ở tuổi 34, cô Mai Thị Thắm - giáo viên Trường Tiểu học An Lộc B, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước vẫn không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý.

Niềm đam mê dạy trẻ

Sự thân thiện, cởi mở của cô giáo Mai Thị Thắm khiến câu chuyện của chúng tôi sôi nổi hơn bao giờ hết. Nói đến cơ duyên với nghề giáo có lẽ là một câu chuyện dài mà cô Thắm luôn mang theo suốt nhiều năm, tâm huyết với từng buổi dạy cho từng lứa học trò.

Vốn sinh ra trong trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha tật nguyền, cả gia đình 6 người trông vào cái rẫy nhỏ với vài giống cây trồng ngắn ngày. Ngay từ nhỏ, Thắm đã phải theo mẹ lên nương rẫy kiếm củi, gieo hạt… Cực khổ là vậy nhưng Thắm luôn nuôi dưỡng ước mơ sau này được làm cô giáo đứng trên bục giảng bài cho các em nhỏ. Cô nhớ lại: “Ngày ấy những buổi chiều rảnh, tôi thường tụ tập bạn bè và mấy đứa em lại để thành lập lớp học và tập giảng bài. Vẫn biết chỉ là trò chơi thôi, nhưng hạnh phúc lắm. Niềm mơ ước được trở thành cô giáo có lẽ cũng bắt đầu từ đó và cứ lớn dần theo năm tháng”.

Cô Mai Thị Thắm - ảnh: Đức Trí.

Bao nhiêu khó khăn chồng chất đôi khi ngỡ như không thể vượt qua, nhưng khát vọng trở thành nhà giáo đã thôi thúc cô tiếp tục cuộc hành trình. Vừa tốt nghiệp xong lớp 9, Thắm xin đi học Trung cấp Sư phạm, hệ 9+3 tại trường Cao Đẳng sư phạm Sông Bé. Vì thời ấy còn thiếu giáo viên, nên trường tổ chức học hai buổi/ngày để rút ngắn thời gian. Thế là chỉ 2 năm sau cô đã tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa.

Ra trường, cô được phân công về nhận công tác tại trường tiểu học Thanh Bình A (nay thuộc huyện Hớn Quản) khi vừa tròn 17 tuổi. “Ngày đầu tiên tiếp nhận học trò tôi hạnh phúc vô bờ bến. Tôi biết mình đang mang một trọng trách rất lớn” - cô giáo trẻ tâm tình.

Công việc của một giáo viên tại trường tiểu học vùng nông thôn càng thêm phần vất vả khi học sinh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, đi học không đều; nhận thức của phụ huynh có phần hạn chế nên cô Thắm phải kiêm luôn cả nhiệm vụ dân vận và nhiều việc không tên nữa.

Mỗi lần nhìn vào đôi mắt ngây thơ, nhìn bộ đồ chưa lành lặn, nhìn đôi chân trần, Thắm thương lắm những học trò nghèo. Thắm tự hứa sẽ nỗ lực hết mình để mang đến cho các em những kiến thức mới nhất, tốt nhất. Với quyết tâm ấy nên mỗi ngày cô Thắm đều mang kiến thức, tình thương, trách nhiệm đến với các học trò. Mặc nắng bụi, mưa lầy, vòng xe đạp cũ kỹ của cô giáo trẻ cứ đều đều mỗi ngày lăn bánh vượt hơn 10 km để đến với các học trò nghèo.

Sau một năm bám trường, bám lớp, cô đã nghĩ đến việc phải học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vậy là ngày ngày đến lớp, tối về cô lại tham gia lớp Bổ túc văn hóa. Và cô đã hoàn thành Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Năm 2004 cô Thắm tiếp tục thi liên thông lên hệ Cao đẳng sư phạm. Kết thúc khóa học ấy, cô lại tốt nghiệp loại xuất sắc ở tuổi 26 và đặc biệt hơn là cô vinh dự được Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai gửi thư khen. “Bức thư ấy trở thành động lực giúp tôi tiếp tục nỗ lực cho sự nghiệp trồng người của mình. Sau này mỗi khi khó khăn tôi lại lấy bức thư ấy ra đọc để yêu nghề hơn” - cô Thắm bộc bạch.



Cô Mai Thị Thắm cùng các em học sinh trong giờ ra chơi - ảnh: Đức Trí.

Ươm mầm tri thức

Trong những năm tháng “trồng người”, cô Thắm không nhớ hết bao nhiêu lần mình cùng đồng nghiệp xuống tận ấp sóc để vận động trẻ em đồng bào dân tộc trở lại trường. Là xã có nhiều người đồng bào dân tộc sinh sống, cuộc sống của bà con còn mang nhiều hủ tục lạc hậu nên không những chỉ nơi ăn chốn ở khó khăn mà việc vận động con em đến trường cũng vô cùng gian nan. Đồng bào đã quen với nương rẫy nên học chữ là “việc xa lạ”. Do vậy, giáo viên phải kiên trì đi vận động, có khi nhiều ngày trò mới đến lớp. Có em cứ sau 2-3 buổi học lại nghỉ ở nhà làm rẫy.

Làm sao để giúp trẻ em đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được đến trường? Làm sao để các em không tái mù chữ? Câu hỏi ấy đêm ngày cứ thường trực trong tâm trí người giáo viên trẻ. Nên con đường từ trường về buôn sóc dẫu gập ghềnh, trơn trợt, qua bao mùa mưa nắng vẫn in dấu bước chân cô.

Mưa dầm thấm lâu, sau thời gian dài làm công tác vận động bà con cho con em mình đến lớp, nhiều phụ huynh đã thấy được tấm chân tình của cô rồi tự giác đưa con em đến trường. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô Thắm còn bỏ tiền ra mua cho từng cuốn sách, đôi dép tươm tất để đến trường. Cô tâm niệm, giáo viên không chỉ truyền dạy kiến thức mà phải đóng vai trò như một người mẹ hiền, người bạn tốt, để lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của các em nữa.

Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho cô Mai Thị Thắm – khi ấy cô tròn 34 tuổi

Nghề giáo đã đem lại cho cô Thắm những kỷ niệm đẹp mà không phải nghề nào cũng có được. Đến bây giờ, cô vẫn nhớ như in hình ảnh một em học trò đến tận nhà chỉ để tặng mình một bông hoa hồng nhân ngày 20/11 trong cơn mưa chiều tầm tã. Nhắc lại chuyện đó, cô Thắm xúc động nói: “Điều quý giá nhất với giáo viên là sự tin tưởng, quý mến của học sinh và phụ huynh. Chỉ cần điều đó thôi cũng hơn vạn món quà rồi!”.

Năm 2014, cô Thắm được chuyển về công tác tại trường Tiểu học An Lộc B, thị xã Bình Long. Ở môi trường mới, cô vẫn luôn được đồng nghiệp và học trò yêu mến… Từ thực tiễn trong quá trình công tác giảng dạy, cô Mai Thị Thắm đã đúc rút ra các kinh nghiệm và thể hiện qua phương pháp giảng dạy. Cô nhận thấy, học sinh tiểu học thường hiếu động, không tập trung trong tiết học được lâu, nếu áp dụng kiểu dạy truyền thống là đọc - viết sẽ gây nhàm chán. Vì vậy cô luôn sử dụng các trò chơi học tập linh hoạt để thay đổi không khí, cuốn trẻ vào trò chơi nhưng chơi mà học, học mà chơi giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Ý thức về nghề của mình nên cô Thắm không ngừng tự học hỏi kiến thức để truyền đạt cho học sinh. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, cô luôn khuyến khích cách em học sinh phát huy tính sáng tạo. Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy, cô Thắm cho biết: “Là một giáo viên thì dù hoàn cảnh nào cũng phải giữ cái tâm với nghề và phải vững về chuyên môn để áp dụng được nhiều phương pháp dạy học mới, tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong từng tiết dạy giúp học sinh dễ tiếp thu bài giảng”.

Với 36 tuổi đời, 19 năm tuổi nghề, cô Mai Thị Thắm luôn giàu nhiệt huyết, tận tụy với sự nghiệp “trồng người”. Những cống hiến của cô cho ngành giáo dục đã được ghi nhận bằng rất nhiều danh hiệu thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và đặc biệt hơn nữa là danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của cô chính là đã thực hiện được ước trở thành nhà giáo của mình và được sự yêu quý của đồng nghiệp, của các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm vẫn đang âm thầm lặng lẽ vun đắp, nuôi dạy cho bao lớp trẻ khôn lớn từng ngày…

Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm, 36 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Thiện Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), là giáo viên, đảng viên năng động có nhiều sáng tạo, đóng góp cho chất lượng dạy và học của trường. 36 tuổi đời, 19 năm công tác, cô Thắm đều đạt giáo viên dạy giỏi các cấp.

Đặc biệt, đạt giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia khi mới 27 tuổi; nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ cơ sở đến Trung ương. Được bình chọn Đảng viên trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực; Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013; gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục giai đoạn 2010 - 2015; UBND tỉnh tặng bằng khen học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Hiện cô Thắm vừa hoàn thành xong chương trình Đại học liên thông 2014-2016 với thành tích thủ khoa.

Tác giả bài viết: Đức Trí-Thanh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP