Vậy 4.0 thực sự là gì? Đó là tên của một cuộc cách mạng, cách mạng về công nghệ? Điều này đúng. Tuy nhiên, nếu hiểu 4.0 chỉ là cách mạng về công nghệ thì hơi hẹp. Tôi cho rằng 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ mà còn là cách mạng về "văn hóa".
Nghĩa là, nói tới thời 4.0 là nói tới cả thời đại công nghệ 4.0 và thời đại văn hóa 4.0. Công nghệ 4.0 khác gì công nghệ 1 chấm, 2 chấm, 3 chấm thì ít nhiều đã được bàn tới. Còn văn hóa 4.0 khác gì so với các thời đại văn hóa trước đó thì lại hầu như chưa được bàn.
Cho nên, nếu nói về "giáo dục 4.0" hay "dạy học 4.0" hoặc "người thầy 4.0" thì phải hiểu ở cả 2 khía cạnh. Thứ nhất, đó là nỗ lực đưa công nghệ mới vào dạy và học để làm cho việc giảng dạy, học tập hiệu quả hơn. Thứ hai, quan trọng hơn và khó hơn, đó là làm sao cho giáo dục thành công, làm sao dạy học thành công trong thời đại văn hóa 4.0 này.
Vậy thời đại văn hóa 4.0 có đặc tính gì? Có thể mô tả thời đại này với mấy chữ: Biến động, chóng mặt và khôn lường. Ta có thể hình dung rằng sự thay đổi của 4.000 năm cộng lại có lẽ cũng không bằng sự thay đổi của riêng thế kỷ XX nhưng sự thay đổi của cả thế kỷ XX có lẽ cũng không bằng sự thay đổi trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI. Tức là mọi thứ thay đổi quá khủng khiếp và khó đoán định.
Ảnh: ĐẶNG THU HÀ |
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nhiều giá trị bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ, khiến con người nhiều lúc trở nên hoang mang. Nếu chỉ được dùng một từ để diễn tả thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa chứ không phải khía cạnh công nghệ thì từ đó là "loạn chuẩn".
Trong thời buổi mà việc minh định đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà trở nên rất khó khăn thì công việc của giáo dục thời 4.0, của người thầy thời 4.0 còn gặp thách thức hơn rất nhiều so với công việc của giáo dục và của người thầy ở những thời trước đó.
Làm sao giúp học trò hiểu rằng tự do thì khác với hoang dã, cá tính khác với quái tính, chân thật khác với trơ trẽn? Làm sao giúp học trò hình thành "nhân tính, quốc tính và cá tính" trong thời buổi quá nhiều toan tính? Làm sao giúp học trò "định chuẩn" trong thời "loạn chuẩn"? Làm sao cài đặt được "hệ điều hành" mới - về cách nghĩ, cách sống, cách làm, cách dạy, cách học… - khi mà xã hội của chúng ta vốn quen với "hệ điều hành" lạc hậu trong thời gian dài?…
Đó mới thực sự là điều quan trọng nhất, là thách thức lớn nhất của giáo dục, của người thầy trong bối cảnh hiện nay chứ không chỉ là thách thức về chuyện cập nhật công nghệ.
Trong bối cảnh như vậy thì nghề nào cũng gặp khó khăn, thách thức. Song, chưa bao giờ nghề giáo lại gặp khó khăn, thách thức như bây giờ. Bởi lẽ, thầy cô là người giúp con trẻ học và đi tìm chân lý nhưng làm sao thầy và trò có thể tìm chân lý trong thời buổi mà có những thứ sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng, tới mốt có khi lại sai?!
Để giải quyết thách thức này, theo tôi, chỉ có một cách. Đó là mỗi người thầy, mỗi nhà trường, mỗi nền giáo dục phải cố gắng chạm được những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, chạm được những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn. Khi đạt được điều đó, sự học và sự dạy của thầy cô sẽ trở nên chắc chắn hơn, không biến cuộc đời mình thành cuộc đời thử - sai, từ đó cũng sẽ giúp học trò bớt phải thử - sai nữa.
Như vậy, giáo dục thời 4.0 và người thầy thời 4.0 cần được hiểu ở ít nhất hai khía cạnh: giáo dục thời công nghệ và giáo dục thời "loạn chuẩn", người thầy thời công nghệ và người thầy thời "loạn chuẩn". Đó là những người thầy không chỉ biết học hỏi để đưa công nghệ mới vào giáo dục nhằm dạy và học hiệu quả hơn mà còn vững vàng về hệ giá trị nhằm giúp bản thân và học trò bước vào thời đại này với tâm thế kiến tạo, xác lập những chuẩn mực mới, giá trị mới, niềm tin mới và sống vững vàng với nó chứ không phải là thích ứng.
Có 4 tâm thế của giáo dục, tương ứng với 4 tâm thế của nhà giáo, giúp xác lập 4 tâm thế cho các thế hệ học trò. Đó là Thụ động - tức là tới đâu hay tới đó, muốn ra sao thì ra, không quan tâm lắm đến tương lai của mình và của trò, cũng chẳng suy ngẫm gì lắm về thời cuộc; Ứng phó - hoàn cảnh tới đâu thì tìm cách ứng phó tới đó, trong hoàn cảnh mới vẫn có thể xoay xở để làm nghề dù gặp rất nhiều khó khăn; Chủ động - cập nhật cái mới liên tục, nỗ lực thích ứng và theo kịp được những thay đổi chóng mặt, khôn lường của thời đại; kiến tạo - không những thích ứng được, đối phó được, theo kịp được bối cảnh mới mà còn góp phần tạo ra các xu hướng mới, hình thành thang giá trị mới, định hình nên xã hội mới văn minh và tiến bộ hơn.
Tôi cho rằng những người thầy kiến tạo sẽ tạo ra các thế hệ học trò kiến tạo và tạo ra một quốc gia kiến tạo. Đất nước phát triển ra sao cũng tùy thuộc nhiều vào nền giáo dục khai phóng với những người thầy kiến tạo. Đó chính là nền giáo dục và chân dung người thầy mà chúng ta đều mong muốn hướng tới.
Tác giả: GIẢN TƯ TRUNG
Nguồn tin: Báo Người lao động