Mới đầu mùa hè, gia đình ông Hồ Ngọc Dũng và nhiều hộ dân bản Cây Cà, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh phải xuống sông Long Đại để gánh nước về sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước sông hiện nay chỉ dùng để tắm giặt, còn nước dùng cho ăn uống thì không đảm bảo vệ sinh. Khu vực ông Dũng sinh sống có 15 hộ dân sử dụng chung 1 giếng khoan nhưng nước bị cạn kiệt, mỗi lần bơm nước rất khó khăn. Nước từ giếng khoan mùa nắng độ phèn cao, ăn uống dễ sinh bệnh.
15 hộ dân dùng chung 1 giếng khoan |
Ông Hồ Ngọc Dũng chỉ tay vào đường ống dẫn nước tự chảy từ con đập ở bản khác dẫn về nhà mình không có giọt nước nào: “Mùa này bà con sử dụng nhiều thì cũng hết nước. Sinh hoạt hằng ngày quan trọng nhất là nguồn nước, các hộ gia đình ở đây thiếu nước nên sinh hoạt rất vất vả, nguồn nước không có. Chúng tôi đã đề xuất với xã về việc ở đây không có nước sạch, xã cũng nói là sẽ sửa chữa đường ống nhưng đến nay vẫn chưa nghe thông tin gì cả”.
Người dân xã Trường Sơn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các con đập nhỏ, các khe suối tự chảy. Đầu mùa hè, khe suối cạn nước, đập tích nước quy mô nhỏ lại phục vụ nhiều thôn bản nên xảy ra thiếu nước. Đập tự chảy tại bản Cây Sú xây dựng từ năm 2020 cung cấp nước sinh hoạt cho các thôn bản trong xã. Mới đầu mùa nắng nhưng khe suối đã khô cạn.
Nguồn nước sông Long Đại ở mức thấp mặc dù mới đầu mùa nắng |
Ông Trần Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ bản Khe Cát cho hay, một số nơi chưa có nguồn nước tự chảy cung cấp cho người dân sinh hoạt. Bên cạnh đó, hệ thống dẫn các nguồn nước tự chảy từ bản Cây Sú dẫn về các khu dân cư không được tu sửa thường xuyên nên không phát huy được hiệu quả: “Hiện tại các nguồn nước khe bị khô cạn, mong tìm được nguồn nước nào đó dồi dào hơn để phục vụ bà con. Thiếu nước dân phải đi múc nước sông về dùng nhưng không đảm bảo, nhiều khúc sông có trâu bò tắm”.
Xã Trường Sơn có 1.300 hộ dân, trong đó hơn 400 hộ dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt. Trong những năm gần đây, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung tại các khu vực nông thôn và miền núi. Trước đó, huyện Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ kinh phí đối với các xã có nhu cầu cấp bách về nước sạch, như xã An Ninh, Vạn Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn với số tiền 400 triệu đồng.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tỏ ra lo lắng: “Nếu nói về nguồn nước đủ điều kiện theo quy chuẩn là nước sạch thì trên địa bàn chưa có, chỉ mới là nước sinh hoạt chung. Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương cấp trên có nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư nguồn nước tự chảy từ các khe suối lớn về cho người dân sinh hoạt”.
Theo thống kê, nhiều khu dân cư, thôn, bản thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Bình đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng. Tỉnh Quảng Bình cũng có các giải pháp giúp người dân có nước sạch nhưng nguồn lực có hạn nên hiện nay hơn chục nghìn hộ dân từ vùng núi đến vùng ven biển đang rất khó khăn về nguồn nước sạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã báo cáo với tỉnh bố trí nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa, đặc biệt là mở rộng phạm vi cấp nước đối với những công trình nước sạch, kéo dài tuyến ống cấp nước cho bà con ở vùng cuối công trình. Địa phương cũng tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong mùa nắng, ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trong thời gian tới, xác định nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài, vì vậy sẽ ảnh hưởng do hạn hán. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo và phòng chống hạn, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu nước, điều tiết các hồ nước và đảm bảo các nguồn dự trữ nước”.
Tác giả: Thanh Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV