Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã có nước sạch |
Phải dùng nước khe, suối
Xã miền núi Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có bảy thôn nhưng chỉ ba thôn có nước sạch. Các thôn còn lại với hơn 350 hộ dân do nước bị nhiễm phèn, không sử dụng được. Người dân đầu tư xây bể để chứa nước mưa nhưng vào mùa nắng nóng nước mưa không đủ, phải lấy nước sông Gianh để sinh hoạt. Chủ tịch MTTQ xã Thuận Hóa Lê Hồng Phương chia sẻ: “Thiếu nước sạch, người dân biết nước sông không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải dùng. Chúng tôi vận động bà con lấy nước sông về để cho lắng rồi lọc lại dùng nhưng vẫn còn một số hộ múc nước sông về dùng ngay, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Cũng như Thuận Hóa, người dân xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy thiếu nước sạch từ nhiều năm nay. Người dân tộc Vân Kiều phải lấy nước từ sông Long Đại hoặc các khe, suối về dùng. Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hồ Văn Tuyên cho biết: Trên địa bàn xã mới chỉ có ba bản có nước sạch sinh hoạt do bộ đội biên phòng và các dự án hỗ trợ nhưng quy mô nhỏ lẻ và cũng hay hư hỏng. Ngoài ra, người dân sống rải rác ở nhiều bản làng nên khó đầu tư các công trình nước sạch tập trung.
Xã vùng sâu Trọng Hóa có 18 bản nhưng hiện mới có sáu bản được dùng nước sạch. Nói là nước sạch nhưng đó cũng chỉ là nguồn nước được lấy từ các khe, suối bằng đường ống nhỏ về bản, còn lại vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn lấy từ thượng nguồn sông Gianh, theo hai hướng từ cửa khẩu Cha Lo và khe Dọi chảy về.
Khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt
Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Được, trên địa bàn hiện có hơn 100 công trình nước sạch nhưng tập trung tại vùng đồng bằng hoặc các nơi đông dân cư. Còn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chủ yếu là các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Hiện, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh Quảng Bình đạt hơn 86%, số còn lại chưa có nước sạch.
Khó khăn, trở ngại là vậy nhưng trước nhu cầu cấp bách của người dân, nhiều năm nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã huy động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ và đã xây dựng được một số công trình nước sinh hoạt. Cách làm của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hết sức linh hoạt: Nơi thuận lợi thì ngăn suối, đặt ống làm công trình nước sạch tự chảy về bản, nơi xa nguồn nước thì đào giếng khơi, nơi thuận lợi thì vận động người dân xây bể chứa nước mưa dùng cho ăn uống. Nhiều năm nay, người Ma Coong ở bản Arem, xã biên giới Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) không có nước sạch sử dụng mặc dù trước đó một công trình cấp nước tập trung được đầu tư nhưng chỉ được một thời gian ngắn bị hư hỏng rồi bỏ hoang. Mới đây, được sự hỗ trợ của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đồn Biên phòng Cồn Roàng phối hợp UBND xã Tân Trạch đào một giếng khơi cho người dân. Trung tá Nguyễn Hữu Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết, quá trình đào giếng gặp rất nhiều đá xanh, bộ đội phải dùng máy phá đá để bóc hết lớp đá này sang lớp đá khác. Sau hơn ba tháng bền bỉ và kiên trì đục đá, đào đất, giếng nước nghĩa tình quân - dân bản A Rem đã hoàn thành trong sự vui mừng của người dân và bộ đội biên phòng. Giếng sâu hơn 7 m nhưng gần 3,5 m nước, đủ dùng cho cả xã Tâm Trạch với khoảng 100 hộ dân. Lần đầu trên vùng đất này, đồng bào Ma Coong được sử dụng nước khơi trong mát.
Đến nay, Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã đào xong bốn giếng khơi quy mô lớn, cấp nước cho gần 400 hộ dân ở các bản của hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, nơi đơn vị đóng quân. Cũng tại xã biên giới Thượng Trạch, Đồn Biên phòng Cà Roòng đã hỗ trợ lắp đặt các công trình nước tự chảy, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt tại một số bản. Bộ đội biên phòng còn thường xuyên xuống bản hướng dẫn, nâng cao ý thức bảo vệ, cách vận hành công trình để sử dụng lâu dài. Nhờ vậy, một số công trình cấp nước quy mô nhỏ ở các bản thuộc các xã Kim Thủy, Thượng Trạch, Thượng Hóa, Dân Hóa phát huy tốt tác dụng, giúp hàng trăm hộ đồng bào DTTS có nước sạch sử dụng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống.
Tác giả: Hương giang
Nguồn tin: Báo Điện tử Nhân Dân