Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết: Vùng cát ven biển phía Nam của tỉnh được xem là nơi có lượng nước ngầm dồi dào và trong sạch do được lọc tự nhiên qua nhiều tầng lớp cát dày, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt bao đời của người dân. Tuy vậy, thời gian gần đây, người dân và chính quyền vùng biển bãi ngang Ngư Thủy liên tục phản ánh là nguồn nước ngầm bị sụt giảm nhiều và bị nhiễm phèn nặng, bốc mùi rất khó chịu không thể dùng cho sinh hoạt, nếu không được xử lý qua hệ thống máy lọc.
Một ngày cuối tháng 3, theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại xã biển bãi ngang Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy). Chủ tịch UBND xã Trần Kim Trung cho biết: Xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung, mà lâu nay với nguồn nước ngầm tự nhiên dồi dào bà con thường khoan giếng trong cát lấy nước để dùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt và nhiễm phèn nặng đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Nhiều người hoang mang, lo sợ bị bệnh tật, nhất là lớp trẻ do sử dụng nước không bảo đảm chất lượng trong thời gian dài.
Bà Nguyễn Thị Thế, 79 tuổi, thôn Bắc Hòa (xã Ngư Thủy Bắc) cho biết: Nguồn nước giếng khoan của gia đình tôi bị nhiễm phèn ngày càng nặng, bơm lên có màu vàng khè; nhiều lúc nước không vàng nhưng mùi hôi thì cơ bản là như nhau. Đã lâu rồi nước này không thể dùng để pha trà, thậm chí đã lọc qua máy RO rồi nhưng nước vẫn có mùi rất khó chịu.
Chúng tôi ghé vào gia đình bà Võ Thị Vĩnh, 51 tuổi, thôn Bắc Hòa khi bà đang lúi húi cọ chiếc thau nhôm đựng nước đã chuyển màu vàng do váng phèn lâu ngày. Trước bậc thềm nhà bà cũng đóng váng màu vàng. Bà Vĩnh cho biết, các vết phèn đó là do mỗi lần lau thềm nhà, bà đổ nước xuống, lâu ngày thành vệt khó tẩy rửa.
Bà Võ Thị Vĩnh, xã Ngư Thủy Bắc bơm nước từ giếng khoan lên nhưng có màu vàng và mùi hôi phèn nồng nặc. |
"Bao đời người dân vùng biển bãi ngang Ngư Thủy sống trên vùng cát, chỉ cần khoan vài mét là có ngay nguồn nước sạch ngọt để sinh hoạt. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, do nước ngầm sụt giảm và nhiễm phèn nên gia đình tôi đã khoan giếng đến 3-4 lần ở độ nông sâu khác nhau, ở đủ các vị trí trong vườn nhưng chất lượng nước đều không bảo đảm cho sinh hoạt. Nước ngầm trong cát bơm lên mát lạnh nhưng mùi phèn nồng nặc", bà Vĩnh đượm buồn.
Cùng thôn và cùng chung cảnh ngộ, ông Ngô Văn Tình, 66 tuổi chia sẻ: Nước nhiễm phèn nặng quá nên quần áo sau vài lần giặt là đỏ lên hết. Vùng bãi ngang, ngư dân còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tháng phải chi phí thêm 1 khoản tiền để mua nước, hoặc lõi máy lọc nước để khả dĩ có được chút nước phục vụ cho việc ăn, uống, sinh hoạt. Còn ông Trần Quốc Biên, 56 tuổi thì cho biết, nhà ông đã mấy lần khoan giếng, ban đầu là độ sâu 24m gặp phèn, rút ống lên 8m cũng gặp phèn, nước bốc mùi hăng hắc, cực nhất là khi trở trời, có mưa màu nước và mùi khó chịu càng nặng hơn.
Trưởng thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc Ngô Văn Hiền cho hay, cả thôn có hơn 260 hộ dân thì hầu như nhà ai cũng bị nước nhiễm phèn. Mức độ nhiễm ngày càng nặng hơn, phải sử dụng hệ thống lọc để có nước tắm rửa, giặt giũ, còn về cơ bản ăn uống thì phải mua nước đóng sẵn hoặc đi chở nước từ vùng khác về.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc Trần Kim Trung cho rằng, trước thực trạng này, để có thể biết rõ nguyên nhân thì cần phải có sự thăm dò, nghiên cứu, đánh giá cụ thể của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, theo nhận định chủ quan của ông, bên cạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì có thể là do người dân nuôi trồng thủy sản đã khai thác nguồn nước ngầm quá nhiều dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm mạnh, kèm theo đó là vấn đề chất thải, tồn dư thức ăn, thuốc phòng trị bệnh... trong nuôi trồng thủy sản thải ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý theo quy định, không theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chức năng đã dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.
Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc Trần Kim Trung thông tin: Hiện, toàn xã có 1.180 hộ dân ở 5 thôn thì hơn 51% số hộ đang gặp rất nhiều khó khăn về nước sạch. Các hộ này chủ yếu thuộc 2 thôn Bắc Hòa và Thanh Hải. So với 10 năm trước, hiện nay mực nước ngầm trong cát giảm 2-3m. Nước ngọt trong cát giảm xuống thì phèn bốc lên rất nhiều, qua hai lần lọc nhưng nước vẫn có mùi hôi phèn. Kỳ lạ, bây giờ người dân khoan giếng gần sát mép nước biển để lấy nước ngọt mà nước cũng bị nhiễm phèn.
Theo một kỹ sư địa chất, nước dưới đất vùng cát ven biển Quảng Bình được hình thành do lượng nước mưa ngấm xuống. Bởi vậy, khí hậu được xem là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành các tầng nước ngầm. Mùa lũ thì lụt lội, ngập úng, còn mùa hè thì cạn kiệt nguồn nước, kể cả nước ngầm ở tầng nông. Khi nước ngầm sụt giảm áp suất thì độ phèn trong nước tăng lên, nhất là vào giai đoạn từ tháng 4-7 gió phơn tây nam thổi mạnh, mức độ nước nhiễm phèn càng nghiêm trọng hơn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Tương tự như ở Ngư Thủy Bắc, người dân xã Ngư Thủy cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch. Vốn sinh sống trên vùng cát từng được xem là nơi lý tưởng về nguồn nước ngầm song thời gian gần đây, nước ngọt khai thác trong lòng điệp trùng núi cát cũng bị nhiễm phèn đến mức báo động.
Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nguyễn Hữu Hiến cho biết, có 707/1.468 hộ dân ở địa phương phản ánh nước sinh hoạt tự khai thác tại chỗ bị nhiễm phèn nặng, bà con gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh để dùng. Nguyên nhân được chỉ ra là do việc khai thác khoáng sản và khoan giếng phục vụ nuôi cá nước ngọt quá mức đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trên địa bàn.
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bùi Thái Nguyên cho biết, không chỉ riêng hai xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy mà tại một số địa phương vùng cát phía Nam tỉnh, việc sụt nguồn nước ngầm đang diễn ra ở nhiều mức độ. Cùng với đó là tình trạng nước nhiễm phèn khiến người dân không thể sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt nếu không qua xử lý.
Trước thực trạng nói trên, đại diện chính quyền hai xã vùng cát huyện Lệ Thủy kiến nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ vốn xây dựng nhà máy cấp nước tập trung để cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của địa phương cần sớm vào cuộc nghiên cứu, điều tra kỹ hiện trạng nguồn nước ngầm, trên cơ đó khuyến cáo và hướng dẫn biện pháp sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm an toàn và đúng quy định. Mặt khác, quan tâm ưu tiên đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoặc dẫn nước từ các nguồn khác cho người các xã bãi ngang những nơi đang bị nhiễm phèn nặng sử dụng để bảo đảm sức khỏe, đời sống, sinh hoạt.
Tác giả: A.Tuấn
Nguồn tin: Báo Quảng Bình