Theo phản ánh của người dân tại xã An Thủy, nhiều năm qua họ đều sử dụng nước giếng nhiễm phèn, nhiễm mặn. Người dân hết sức lo lắng vì số người mắc bệnh ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Thiết, sinh năm 1958, tại thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: “Nước ở đây bẩn lắm, toàn phèn, không sử dụng được. Gia đình thường hứng nước mưa, hoặc đi xin nước ở chỗ khác về dùng. Bao nhiêu năm nay gia đình dùng nước nhiễm phèn nên sinh bệnh, bản thân tôi bị ung thư dạ dày suốt 7 năm nay rồi. Cũng do ăn uống phức tạp, nguồn nước ô nhiễm nên sinh bệnh”.
Người dân tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nhiều năm qua |
Chung tình trạng với ông Thiết, bà Dương Thị Liên (sinh năm 1961, trú tại thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy), chia sẻ :“Nước ở đây quá bẩn, ô nhiễm, gia đình tôi phải dùng nước bình để uống, nấu ăn, còn tắm giặt vẫn phải sử dụng nước giếng. Ở đây bệnh tật nhiều, đa số là bệnh ung thư, toàn chết khi còn trẻ vì ung thư gan, ung thư dạ dày…”.
Hiện, trên địa bàn xã An Thủy có 6 thôn với 2.750 hộ dân với 11.300 khẩu. Trong đó, có 700 hộ đã được sử dụng nước sạch, còn hơn 2000 hộ vẫn đang dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nguồn nước bị nhiễm phèn trầm trọng nhất tại khu vực thôn Phú Thọ, phần lớn người dân đều phải dùng nước giếng.
Thiếu nước sạch người dân phải dùng nước nhiễm phèn trong sinh hoạt |
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những hộ dân ở xã An Thủy đều dùng nước giếng khoan hoặc giếng đào. Tuy nhiên, nước tại đây đều có màu vàng đỏ, do vậy nhiều hộ dân phải xây bể lọc và mua thêm bình hứng nước mưa.
Đáng chú ý là số người bị bệnh ung thư tại địa phương này cũng tăng cao. Theo thống kê của UBND xã An Thủy, trung bình mỗi năm trên địa bàn có từ 25 đến 30 người chết vì bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo, số người chết đều tập trung ở thôn Phú Thọ và hai thôn lân cận là Thanh Lệ và Thạch Bàn. Có 2 gia đình chết 3 người và nhiều gia đình chết từ 1-2 người.
Nước có màu vàng đục khi lấy từ giếng lên |
Ông Lê Văn Thương, Trưởng thôn Phú Thọ, xã An Thủy huyện Lệ Thủy, cho biết: “Đã nhiều năm nay, người dân trong thôn phải sử dụng nước nhiễm phèn. Dùng nước sông thì rất bẩn, nước giếng thì phèn nặng nhưng cũng phải chấp nhận sử dụng. Khoảng 15 năm trở lại đây, người dân trong thôn hay bị đau bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Người dân luôn mong mỏi có nguồn nước sạch để sinh hoạt đảm bảo đời sống dân sinh”.
Nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nhiều năm qua khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn, và cũng nhiều năm người dân đều có kiến nghị, phản ánh nhưng đến nay việc có nước sạch để dùng vẫn còn “xa vời”.
Người dân phải mua bình chứa để hứng nước mưa |
Trao đổi với PV, ông Võ Đình Thanh - Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết: “Tình trạng nước trên địa bàn xã nhiễm phèn, nhiễm mặn đã xảy ra nhiều năm nay. Các cuộc tiếp xúc cử tri đều nói về nước sạch nhưng không thể giải quyết”.
Ông Thanh cho biết thêm: Trên địa bàn xã An Thủy hiện chỉ có một thôn được dùng nước sạch do Trạm cấp nước Kiến Giang thuộc Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình cung cấp, còn các thôn khác nhà máy không đủ công suất để đáp ứng, nên đang sử dụng nước thuộcchương trình nước sạch của quốc gia, nước sạch của xã làm từ năm 2013. Về việc người dân mắc bệnh nhiều, đặc biệt là ung thư thì khó xác định. Nhưng nguồn nước nhiễm phèn cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Hàng nghìn người dân nơi đây vẫn luôn ao ước có nguồn nước sạch để dùng |
“Các thôn này sử dụng nước gọi đúng là nước hợp vệ sinh còn sinh hoạt thì không đảm bảo tiêu chuẩn, một năm Sở Y tế Quảng Bình kiểm nghiệm nguồn nước một lần. Hiện nguồn nước này không đảm bảo, hàm lượng asen và các kim loại nặng lớn. Mặc dù đã có khuyến cáo, cảnh báo người dân, nhưng trước nhu cầu bức thiết của người dân trạm cấp nước xã An Thủy phải cung cấp. Tôi cũng nằm trong diện những gia đình không có nước sạch để sử dụng. Hằng ngày phải lấy nước sông Kiến Giang về lọc để dùng chứ không biết lấy ở đâu. Cũng mong muốn chính quyền các cấp biết và quan tâm đầu tư công trình nước sạch để đảm bảo cho sinh hoạt và sức khỏe cho người dân của xã”, ông Võ Đình Thanh, cho biết thêm.
Liệu đến bao giờ có nước sạch, đảm bảo là câu hỏi mà hàng nghìn người dân nơi đây đã trăn trở nhiều năm qua. Rất mong UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Lệ Thủy và các cơ quan chức năng cần kiểm tra và có biện pháp xử lý triệt để để bảo vệ cuộc sống của người dân
Tác giả: Hồng Thiệu
Nguồn tin: Báo Tài Nguyên & Môi Trường