Mới đầu mùa nắng nóng năm 2024, hàng chục nghìn người dân tại khu vực miền núi Quảng Bình đã chật vật với nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp người dân có nước sạch nhưng nguồn lực có hạn, do đó hàng chục nghìn hộ dân khu vực miền núi và một số bộ phận người dân vùng ven biển đang rất khó khăn về nguồn nước sạch.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vừa đầu hè nhưng cái nóng của miền Trung đã làm cho người dân nơi đây chật vật với nguồn nước sinh hoạt. Gần 400 giếng đào, giếng khoan ở đây không có nước, nhiều giếng có nước thì hơn 10 hộ gia đình sử dụng chung bơm lên rất khó khăn. Hơn nữa, theo chia sẻ nước còn có độ phèn cao, khi dùng để sinh hoạt và ăn uống dễ gây bệnh.
Nhiều vùng bị khô hạn, không có nước sạch để sinh hoạt (Ảnh: Thành Long) |
Chị Cao Thị Hoa Lý – xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, nói về thiếu nước ở thôn Tiền Phong thì xảy ra hàng năm rồi, chỉ có uống theo nước vụ, còn từ Tết đến giờ bị mất nước; người dân giờ chỉ đi xin hoặc gia đình nào còn thì họ cho, mình dùng sinh hoạt, ăn uống, còn lại phụ thuộc vô khe suối hết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Văn Trương – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho hay: Thống kê sơ bộ ban đầu, trên địa bàn xã Trung Hóa có đến 70% hộ bà con thiếu nước. Hiện nay, một số hộ dân có giếng khoan, dần dần họ khắc phục thì họ xin và san sẻ cho nhau, một số không có thì ra khe, suối chở và thuê xe công nông chở về để làm nước sinh hoạt hàng ngày. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo lên trên huyện để xin chủ trương khắc phục. Hiện tại, trên địa bàn xã Trung Hóa có 2 cái giếng dự phòng của quốc phòng nếu mà được thì chúng tôi sẽ dùng 2 cái giếng đó để cung cấp cho người dân.
Được biết, thời gian qua hàng chục nghìn hộ dân tại khu vực miền núi của tỉnh Quảng Bình chủ yếu sử dụng nước tại các con đập nhỏ, các khe, suối tự chảy. Đầu mùa hè, nước khe suối cạn, nhiều thôn, bản lại xảy ra thiếu nước, nhiều hộ dân phải ra sông Gianh, sông Long Đại và các nơi có nước để gánh nước về sinh hoạt, hoặc mua nước để dùng.
“Để sử dụng nước ở khe suối thì chừng khoảng 10 đến 15 hộ nhưng mà thời gian thì khoảng 20 đến 25 ngày là hết”- Ông Cao Quang Khánh cho biết thêm.
Các hộ dân dùng xe chở nước ở hồ về sinh hoạt (Ảnh: Thành Long) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Thái Nguyên – Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay: Về giải pháp lâu dài chúng tôi thấy rằng các công trình cấp nước cho người dân chủ yếu là các công trình nhỏ lẻ và chúng ta cần đầu tư các công trình lớn với quy mô lớn, tập trung lấy nguồn nước từ các hồ nước ngọt, các công trình thủy lợi mà có nguồn nước bền vững để kết nối các công trình lại và để cấp nước đảm bảo an toàn hơn cho bà con. Đồng thời, cần đề suất các nguồn vốn để đầu tư một số công trình cho các cụm công trình mà hiện nay nhiều nơi còn đang thiếu, chưa có công trình cấp nước. Sau thời gian nắng nóng đỉnh điểm, Quảng Bình đã có mưa dài ngày. Đây là nguồn nước vô cùng quan trọng cho mùa khô năm nay.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương phòng, chống hạn, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, điều tiết các hồ và đảm bảo các nguồn nước dự trữ.
Tác giả: Thành Long
Nguồn tin: congthuong.vn