Thế giới

Nga - Trung thua mưu Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên?

Chưa khi nào Nga và Trung Quốc đồng điệu với Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên như trong năm 2017, nhưng Washington lại tỏ ra "lạc điệu"...

Việc Mỹ tuyên bố “bắt tận tay” Trung Quốc và Nga âm thầm cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ), là động thái không chỉ gây nguy hiểm cho bán đảo Triều Tiên, mà còn gây tác hại cho cả Nga - Trung.

Cũng nên nhắc lại là ngày 30/12 báo chí phương Tây đồng loạt dẫn hai nguồn tin an ninh cấp cao của Tây Âu cho biết, các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên ít nhất 3 lần trong những tháng gần đây, bằng cách tiếp dầu giữa biển.

"Các con tàu của Nga đã có hoạt động tiếp chuyển dầu sang các con tàu của Triều Tiên một số lần trong năm nay, vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ”, nguồn tin an ninh thứ nhất cho biết.

Chưa bao giờ Moscow - Washington - Bắc Kinh đồng điệu trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng như năm 2017

Nguồn tin thứ hai xác nhận có sự tồn tại của những hoạt động tiếp chuyển nhiên liệu giữa các con tàu của Nga với các con tàu của Triều Tiên, nhưng "không có bằng chứng cho thấy chính phủ Nga hậu thuẫn cho hoạt động này".

Các nguồn tin trên được xác nhận từ tình báo hải quân Mỹ và các hình ảnh vệ tinh về việc các con tàu của Nga hoạt động ở vùng Viễn Đông, trên biển Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Nga và Tổng Cục Hải quan Nga đều từ chối bình luận về thông tin.

Trước đó, báo Chosun Ilbo dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết, các vệ tinh do thám của Mỹ cũng đã phát hiện các con tàu của Trung Quốc đang chuyển tiếp dầu sang các con tàu của Triều Tiên trên biển.

Theo ghi nhận của các nguồn tin thì việc chuyển tiếp dầu như vậy đã diễn ra tít nhất 30 lần kể từ tháng 10/2017, bất chấp việc Bắc Kinh đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng do Washington đề xuất.

Nhiều nhìn nhận cho rằng, nếu thông tin về việc Nga và Trung Quốc tiếp dầu cho Triều Tiên được chứng minh là có thật thì có lẽ Mỹ sẽ phải bất lực trước sự thách thức ngày càng tăng của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu thông tin là xác thực thì điều đó là sự chứng minh rằng Moscow và Bắc Kinh đã thua trước mưu kế của Washignton trong việc ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng thông qua cơ chế Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Tại sao vậy?

Dư luận còn nhớ, ngày 12/9/2017, với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, HĐBA LHQ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 15 - 0, thông qua Nghị quyết 2375 gia tăng biện pháp trừng phạt Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thử bom H lần thứ 2.

Tuy nhiên, Nghị quyết 2735 cũng ủng hộ các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia "thúc đẩy một giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại".

Sau khi Nghị quyết 2735 được thông qua, Mỹ ngay lập tức kêu gọi Nga và Trung Quốc “thực hiện càng sớm càng tốt" các biện pháp trừng phạt Triều Tiên theo tinh thần nghị quyết này.

Nga - Trung khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của HĐBA LHQ và thực tế cả Moscow và Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, trong đó có việc ngừng cung cấp nhiên liệu cho quốc gia Đông Bắc Á này.

Song về phía Mỹ thì việc thực hiện hành động theo tinh thần Nghị quyết 2735 lại không được Washington tích cực xúc tiến.

Điều đó một phần do phản ứng cứng rắn từ Bình Nhưỡng nhắm đáp trả các biện pháp trừng phạt của HĐBA.

Ngày 12/9/2017 Nghị quyết 2735 được thông qua thì ngày 15/9/2017, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua phía bắc Nhật Bản. Và ngay lập tức, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã cảnh báo sẽ hủy diệt Triều Tiên.

"Chúng tôi gần như đã hết cách. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu rằng nếu Triều Tiên tiếp tục các hành vi liều Tlĩnh này, Mỹ sẽ phải tự bảo vệ mình và các đồng minh bằng bất cứ cách nào. Và khi đó, Triều Tiên sẽ bị hủy diệt", CNN dẫn lời bà Haley.

Phản ứng lại, ngày 16/9/2017, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã kêu gọi Mỹ nhanh chóng thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 2735, mà cả Nga và Trung Quốc đều bỏ phiếu thuận ủng hộ để xuất của Mỹ.

Đại sứ Nebenzia cho biết Moscow trông chờ những giải pháp chính trị và ngoại giao từ phía Washington vốn được đề cập đến trong Nghị quyết 2735.

Đó được xem là cơ sở cho việc Nga và Trung Quốc ủng hộ Mỹ gia tăng trừng phạt Triều Tiên.

Song dường như Washington đã phớt lờ cả Moscow và Bắc Kinh, khi liên tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng như một sự khiêu khích, khiến Kim Jong-un có thêm hành động và các biện pháp trừng phạt lại được gia tăng.

Thực tế cho thấy, chưa khi nào Nga và Trung Quốc tỏ ra "đồng điệu" với Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên như trong năm 2017, tuy nhiên ở phía ngược lại thì Washington lại tỏ ra "lạc điệu" với Moscow và Bắc Kinh.

Sau khi đã chủ động hành động mà không được đáp trả, Moscow và Bắc Kinh đã thất vọng với Washington và được cho là ngấm ngầm "tiếp sức" cho Bình Nhưỡng, tạo điều kiện cho ông Kim Jong-un có thể tiếp tục hành động cứng rắn thách thức Mỹ.

Và mọi việc đã bị "lật tẩy". Nếu thông tin Nga - Trung tiếp dầu cho Triều Tiên là xác thực, thì Moscow và Bắc Kinh khó có thể hy vọng Washington thúc đẩy giải pháp chính trị và ngoại giao để tháo gỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Như vậy, rõ ràng Mỹ đã có một chiến thắng khi buộc Nga -Trung phải thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và khi vi phạm thì sẽ đối mặt với những bất lợi, còn Mỹ thì chẳng cần thực hiện điều gì, thậm chí mà còn được quyền giám sát.

Tác giả: Ngọc Việt

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP