Quân đội Triều Tiên diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, Điện Kremlin ngày 26/12 cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian để giải quyết căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ và Triều Tiên đồng ý để Moscow thực hiện vai trò này.
“Bạn không thể trở thành bên hòa giải giữa hai nước nếu đó là chỉ là mong muốn của riêng bạn. Điều đó là không thể. Bạn cần sự sẵn sàng của cả hai bên”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Theo ông Peskov, “sự sẵn lòng của Nga trong việc dọn đường để hạ nhiệt căng thẳng đã thể hiện rất rõ ràng”.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng kêu gọi Mỹ và Triều Tiên khởi động các cuộc đối thoại và khuyên Washington nên hành động trước.
“Tôi nghĩ bên nào mạnh hơn và sáng suốt hơn nên là bên hành động trước. Chúng tôi biết rằng vẫn có những người Mỹ tin rằng tình hình (Triều Tiên) nên được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngày 26/12, ông Lavrov cũng đề cập tới vấn đề Triều Tiên và nhấn mạnh rằng những tuyên bố gây hấn của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như các động thái tăng cường chuẩn bị quân sự của Washington trong khu vực càng khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên. Đối với Moscow, đây là điều “không thể chấp nhận được”. Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Mỹ khiến cho đối thoại Mỹ - Triều trở nên khó khăn hơn.
Khi được hỏi về đề xuất trung gian hòa giải của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins cho biết Washington “có thể kết nối với Bình Nhưỡng thông qua nhiều kênh ngoại giao khác nhau”.
“Chúng tôi muốn chính quyền Triều Tiên hiểu rằng luôn có một con đường khác để họ có thể lựa chọn, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc vào Triều Tiên nếu nước này chấp thuận thay đổi đường lối và quay trở lại các cuộc đàm phán đáng tin cậy”, ông Justin cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, phát ngôn viên Michael Cavey của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington vẫn luôn để ngỏ cơ hội đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ông Michael, Bình Nhưỡng đã “thể hiện rất rõ qua lời nói và hành động của nước này rằng họ không hứng thú với việc đàm phán trong giai đoạn này”.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua dự đoán Triều Tiên có thể ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ vào năm tới, tuy nhiên vẫn tiếp tục tìm cách để được công nhận là quốc gia hạt nhân.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí