Giáo dục

Nam sinh lớp 11 ở Quảng Bình bị bạn đ.á.n.h phải nhập viện

Mới đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh, kèm theo clip một nam sinh bị bạn đánh liên tục vào mặt và đầu. Hình ảnh nhanh chóng được lan truyền, nhiều người bất bình về hành động trên.

Nam sinh (ngồi trên xe) bị bạn đánh thâm mắt.

Theo VOV, Ban Giám hiệu Trường THPT Tuyên Hóa thông tin, sự việc diễn ra khoảng 7h30 sáng 18/10, 1 em học sinh lớp 11A1 và 1 em học lớp 11A4 có mâu thuẫn với nhau dẫn đến xô xát. Học sinh lớp 11A1 đã đánh em học sinh lớp 11A4.

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã nắm tình hình, đồng thời phối hợp cùng lực lượng công an thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, giáo viên chủ nhiệm hai lớp, phụ huynh và học sinh đến làm việc. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh đã đưa em bị đánh đi kiểm tra sức khỏe.

Hiện em học sinh bị đánh đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa, mắt thâm đen do bị đánh, giảm thị lực. Trong tuần tới, nhà trường sẽ giao giáo viên chủ nhiệm kiểm điểm học sinh trong lớp, sau đó, sẽ trình lên hội đồng kỷ luật nhà trường.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, gây bức xúc trong dư luận. Đây là một trong những tồn tại của ngành mặc dù thời gian qua đã có những giải pháp để ngăn chặn, kiềm chế vấn nạn này.

Một trong những nguyên nhân nhiều chuyên gia chỉ ra đó là do việc xử lý học sinh vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 3 hình thức kỷ luật đó là nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đến nạn nhân, khiến các em chịu thương tổn nặng nề không chỉ thể xác mà tâm hồn, tâm lý dẫn đến chọn kết thúc cuộc sống của mình như trường hợp một nữ sinh ở Nghệ An nghi là do bị bạo lực học đường một thời gian dài.

Nếu không may rơi vào tình trạng bị bạo lực học đường, các chuyên gia chỉ ra một số kỹ năng để phòng tránh, giảm thiểu tác động nhất. Theo võ sư, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, các em học sinh hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học, hay khi ra chơi, đừng đi một mình. Nếu đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt vì tâm lý kẻ bắt nạt thích săn những con mồi yếu hơn mình.


Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP