Các công ty, tàu lớn của Trung Quốc và Triều Tiên đã bị xử phạt vì bị nghi trợ giúp cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. (Nguồn: ABC) |
Theo Yonhap, hành động trừng phạt này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh lại rằng Bắc Triều Tiên là quốc gia ủng hộ khủng bố để tăng áp lực lên chế độ nước này.
Cụ thể, Kho bạc Hoa Kỳ cho biết, họ đang xử phạt một cá nhân Trung Quốc, 13 thực thể ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cùng 20 tàu lớn của các công ty vận tải Bắc Triều Tiên. Những cá nhân, tổ chức này sẽ bị cấm truy cập vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, Yonhap đưa tin.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Steven Mnuchin cho biết: “Khi Bắc Triều Tiên tiếp tục đe doạ hòa bình và an ninh quốc tế, chúng tôi sẽ quyết tâm tối đa hóa áp lực kinh tế để cô lập đất nước này từ các nguồn thương mại và thu nhập bên ngoài trong khi họ dùng các chiến thuật để né tránh”.
Một số nguồn tin cho biết, các đơn vị bị xử phạt bao gồm ba công ty kinh doanh có trụ sở tại Đan Đông, phía đông bắc Trung Quốc, do bị buộc tội xuất khẩu 650 triệu USD hàng hoá sang miền Bắc và nhập khẩu 100 triệu USD từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2017.
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Dandong Dongyuan Industrial đã xuất khẩu hơn 28 triệu USD hàng hoá sang Triều Tiên trong nhiều năm và làm việc với các công ty bình phong của các tổ chức Bắc Triều Tiên liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lãnh đạo của công ty này, ông Sun Sidong, cũng bị liệt vào danh sách đen.
Bản tuyên bố chỉ ra rằng Triều Tiên bị cấm theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì sử dụng các hành vi gian lận lừa đảo vận chuyển hàng hóa, chẳng hạn như chuyển hàng hóa từ tàu này sang tàu khác.
Đáng nói, hai cơ quan Chính phủ của Bình Nhưỡng là Cục Quản lý Hàng hải và Bộ Đất đai và Vận tải biển cũng nằm trong danh sách đen này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson cũng nói với các phóng viên rằng các lệnh trừng phạt ngày càng tăng áp lên Triều Tiên đang bắt đầu có ảnh hưởng lớn đến quốc gia nghèo khổ này.
Theo một số nguồn tin, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới sau các cuộc thử tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên hồi tháng 7 và lần thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9, bao gồm các lần nhập khẩu xăng dầu và các sản phẩm liên quan.
Mặc dù một số nhà chỉ trích tỏ ý hoài nghi rằng bất kỳ hình thức trừng phạt nào cũng có thể buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hoá, nhiều quan chức và chuyên gia vẫn đồng ý rằng áp lực kinh tế như vậy là giải pháp duy nhất cho cuộc chiến này.
Bà Heather Nauert, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua (21/11) rằng: “Khoảng một tháng rưỡi trước đây, ít nhất 20 quốc gia trên thế giới đã có những hành động rõ rệt với chiến dịch áp lực căng thẳng này”.
Về phía mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng hành động mới nhất của Hoa Kỳ như là sự khẳng định cam kết của Washington trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm phi hạt nhân hoá Triều Tiên bằng cách sử dụng các biện pháp chế tài và áp lực mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng nói rằng Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ và phối hợp mọi mặt có thể để đạt được mục tiêu chung về hòa bình nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tác giả: Hồng Vân (Theo Yonhap)
Nguồn tin: Báo Dân trí