Giáo dục

Một số trường đại học công bố thông tin tuyển sinh 2023

Một số trường đại học đã đưa ra thông tin dự kiến về việc tuyển sinh đại học năm 2023 như thời gian tổ chức, điểm thi dự kiến và một số thay đổi của các kỳ thi riêng.

Từ năm 2023, Trường đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE) sẽ tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học. Thí sinh có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường đại học khác nếu trường đó chấp nhận.

Ảnh minh họa.


Nhà trường sẽ căn cứ vào số học sinh đăng ký thi để tổ chức 1 hoặc 2 đợt, dự kiến vào đầu tháng 5/2023. Nếu có nhiều thí sinh đến từ các khu vực xa Hà Nội, kỳ thi có thể diễn ra đồng thời tại một hoặc nhiều trường trong danh sách, giúp thí sinh thuận lợi di chuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực của HNUE có 8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nhà trường cho biết, sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 lên khoảng 20 - 30% tùy ngành. Ngoài ra, trường vẫn giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước.

Trong khi đó, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có nhiều điểm sáng, thuận lợi cho quá trình làm bài của học sinh. Cụ thể, nội dung bài thi dự kiến được điều chỉnh gọn nhẹ hơn. Thời gian làm bài rút ngắn từ 270 phút xuống còn 150 phút (bao gồm 60 phút ở phần thi tư duy toán học, 30 phút ở phần thi tư duy đọc hiểu và 60 phút ở phần thi tư duy giải quyết vấn đề).

Năm 2023, kỳ thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả đánh giá tư duy cũng mở rộng hơn năm 2022, bao gồm Khoa học công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng và Y Dược.

Đối tượng và số lần dự thi đánh giá tư duy năm 2023 đều không giới hạn. Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường đại học chấp nhận kết quả này.

Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 dự kiến tổ chức thành 3 đợt. Trong đó, 2 đợt thi đầu sẽ tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 5 và tháng 6/2023). Một đợt thi sẽ tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 7/2023).

Năm 2023, Trường đại học Thủy Lợi dự kiến tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Đáng chú ý, nhà trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.

Nhà trường dự kiến sử dụng 5 phương thức xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm nay gồm: xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển kết hợp kết quả học THPT cho các đối tượng: học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, học sinh học tại các trường chuyên (với các môn trong tổ hợp xét tuyển), học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm THPT, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa trên kết quả học THPT (dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển tương ứng); xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa.

Ngày 23/12, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực học sinh THPT, áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực của trường.

Đề cương đề thi đánh giá năng lực năm 2023 sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cho thí sinh trước khi kỳ thi tổ chức ít nhất 30 ngày.

Thí sinh sẽ thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức.

Tác giả: Bạch Hiền (t/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP