Kinh tế

Một “đứa con” ngành dầu khí hai năm liền khiến kiểm toán “bất lực”

Trong hai năm liền, đơn vị kiểm toán AASC đều phải thẳng thừng từ chối nêu ý kiến đối với báo cáo tài chính 2016, 2017 của Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) do không thu thập nổi bằng chứng dữ liệu.

Không thu thập nổi dữ liệu, kiểm toán thừa nhận “bất lực”

Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi AASC.

Theo đó, trong năm 2017, doanh thu thuần của PVR đạt mức 48 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với năm 2016. Tuy nhiên, chi phí giá vốn trong năm tăng từ 38 tỷ đồng lên mức 45,5 tỷ đồng kéo nên lãi gộp cả năm chỉ còn hơn 2,5 tỷ đồng.

Thu không đủ bù chi, kết quả, PVR ghi nhận lỗ ròng hơn 6,7 tỷ đồng trong năm qua. Đây là năm thứ ba liên tiếp PVR ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Năm 2015 và 2016, PVR ghi nhận lỗ ròng lần lượt là 27 tỷ đồng và gần 12 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của PVR đến 31/12/2017 đã lên tới trên 66,2 tỷ đồng.

PVR là một thành viên thuộc Tổng công ty PVC - Tập đoàn Dầu khí (PVN)

Nói là “báo cáo kiểm toán” nhưng thực tế, báo cáo này đã bị AASC thẳng thừng từ chối! Đưa ra một loạt cơ sở từ chối, đơn vị kiểm toán nêu rõ: “Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Do đó, chúng tôi không thể đưa ra ý kiểm kiểm toán về báo cáo tài chính đính kèm”.

Cụ thể, kiểm toán viên của AASC đã không thể xác định được tính đầy đủ và chính xác của khoản đầu tư tài chính vào CTCP Đầu tư Phát triển An Bình của PVR, cũng như xem xét việc trích lập dự phòng của khoản đầu tư tài chính này. Đồng thời, không thể xác định được việc lập các khoản trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và nợ phải trả của công ty là có cần thiết hay không.

Đối với khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến khi không thể tìm ra bằng chứng để đánh giá số liệu cần trích lập hàng tồn kho có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh 2017 và kết quả kinh doanh từ năm 2016 trở về trước hay không.

Song song với đó, kiểm toán viên cũng không thể tìm được bằng chứng cho việc PVR đang trích lập dự phòng dựa trên báo cáo tài chính năm 2016 đối với khoản vốn góp vào Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh.

Kiểm toán viên còn nêu ra vấn đề về khoản tiền đặt cọc 20,6 tỷ đồng của khách hàng đối với dự án CT10-11 Văn Phú. Vì chưa kết giao bằng văn bản nên PVR không thể xuất hóa đơn GTGT và kê khai thuế đối với khoản tiền này. Kiểm toán viên từ chối đánh giá ảnh hưởng của vấn đề trên đối với báo cáo tài chính tại thời điểm cuối năm 2017.

Viện dẫn nhiều lý do để không trích lập dự phòng

Sau khi báo cáo tài chính bị kiểm toán từ chối, PVR đã có văn bản giải trình cho hay, về việc trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Phát triển Bình An, PVR vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính của Đầu tư Phát triển Bình An mặc dù đã tích cực gửi thư yêu cầu. Do đó, PVR không có đủ cơ sở để thực hiện trích lập dự phòng cho khoản đầu tư ở Đầu tư Phát Bình An.

Hiện tại, PVR đang tích cực gửi thư xác nhận cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư để xác nhận về các khoản công nợ phải thu, phải trả và đầu tư tài chính mà PVR đã ghi nhận. PVR cam kết các khoản này là đúng theo thực tế phát sinh tại từng thời điểm.

Bên cạnh đó, PVR cũng không có đủ căn cứ để lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi không thể đánh giá một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án CT10-11 Văn Phú do các thông số tính toán theo thị trường tại thời điểm hiện tại chưa đầy đủ và còn nhiều biến động.

Tương tự đối với khoản đầu tư của PVR tại PVC và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh, đến thời điểm lập báo cáo tài chính ngày 31/12/2017, PVR mới nhận được báo cáo tài chính của 2 công ty trên. Do vậy, PVR căn cứ vào số liệu báo cáo tài chính năm tại thời điểm 31/12/2016 để lập trích lập dự phòng cho 2 khoản đầu tư trên.

Đối với khoản tiền hơn 20,6 tỷ đồng do khách hàng mua căn hộ tại dự án CT10-11 đặt cọc nhưng chưa có thỏa thuận bằng văn bản. PVR đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị khách hàng đến ký hợp đồng mua bán căn hộ nhưng khách hàng không đến, cũng không phản hồi nên vẫn chưa có bất kỳ giao dịch nào bằng văn bản được ký kết giữa hai bên. Do dó, PVR không có đủ căn cứ để xuất hóa đơn GTGT và kê khai nộp thuế cho khoản tiền này.

Cổ phiếu PVR thời gian gần đây hầu như không có giao dịch. Mã này đang có mức giá rất rẻ 2.300 đồng/cổ phiếu, dù giảm tới 87,6% so với thời điểm mới niêm yết nhưng đã tăng gần 22% so với 1 năm trước.

Trước đó, PVR bị hạn chế giao dịch từ 2/6/2017 do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC kiểm toán 2016.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP