Học sinh tiểu học đừng mơ được viết văn theo cách nghĩ ngây thơ, non nớt của các em mà chắc chắn phải gò vào khuôn mẫu với những câu văn mượt mà, chải chuốt, rập khuôn thì mới được điểm cao. Trẻ con bây giờ đi học từ sáng đến tối, ngày nghỉ còn mướt mải đi học thêm, rảnh một tí thì “cắm mặt” vào ti vi, điện thoại, máy tính, làm sao biết quan sát để miêu tả cây cối, con vật, con người, hoạt động, màu sắc ra sao. Nếu cô giáo không hướng dẫn tỉ mỉ thì chắc chắn đa phần học sinh cắn bút không viết nổi câu văn nào.
ôi từng biết có một vài phụ huynh lên án các cô giáo thui chột khả năng sáng tạo của con trẻ khi chỉ chấp nhận “bài văn đồng phục”, biến trẻ em thành robot trong học tập. Tôi thấy giáo viên tiểu học đang gánh trọng trách và kì vọng quá lớn từ phụ huynh. Giáo viên chẳng thể “ba đầu sáu tay” để vừa quán xuyến lớp học mấy chục học sinh vừa khuyến khích học trò sáng tạo môn tập làm văn. Có chăng là thầy cô chỉ lập dàn ý, đọc vài bài văn hay của các bạn giỏi trong lớp cho các em tham khảo. Chính sự ôm đồm, dàn trải nội dung học trong sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học đã khiến cô - trò, con cái - cha mẹ phải “đánh vật” với môn Tập làm văn.
Bạn tôi từng nhờ vả tôi làm giúp cậu con trai học lớp 4, viết một đoạn văn chừng 7-10 câu về “Một người hàng xóm giàu tự trọng mà em biết”. Mẹ và con trai đọc đề xong là toát mồ hôi, tả người thì dễ rồi, dáng người, gương mặt, môi, mắt cứ thế mà tả. Nhưng khổ nỗi tả người ấy ra sao để làm rõ 2 từ “tự trọng”? Biết tôi có chút tài viết lách, cô bạn nhờ tôi làm giúp luôn cho con đỡ khóc mếu vì lo không làm được bài cô giao. Tôi đã nhận lời viết bài văn chữa cháy để con trai bạn yên tâm đi ngủ. Bạn tôi bảo, cô chỉ mất 10 phút chứ mẹ con cháu cả tiếng chả viết xong.
Ngày trước, môn Tập làm văn thời tôi học tiểu học đến tận lớp 5 mới học về văn tả cảnh, mà chủ yếu là tả về cây cối, con vật, thiên nhiên ngay trước mắt. Chúng tôi thích học môn Tiếng Việt vì được đọc nhiều bài thơ, bài văn hay về quê hương, đất nước. Đến thời con tôi đi học, môn Tập làm văn tiểu học là môn học khó, bố mẹ còn phải lo lắng tìm kiếm thông tin mới hướng dẫn cho con tạm hiểu bài. Nhiều phụ huynh không đủ thời gian, không đủ kiên nhẫn để giảng bài cho con thì mua sẵn cho con vài cuốn văn mẫu, con cứ việc nhặt mỗi chỗ vài câu và ghép thành bài, miễn không bị cô giáo trách phạt.
Con tôi học lớp 5, mới đây con được cô giao đề bài “Tả hoạt động của một ca sĩ mà em biết”. Con viết về ca sĩ Sơn Tùng được đúng 5 câu trên lớp, con bảo cả tổ con chỉ có 2-3 bạn viết được thành một bài văn dài chừng một trang giấy còn lại chỉ biết miêu tả vài câu ngắn ngủn, cộc lộc, sơ sài và bị cô giáo phê bình lười học, lười viết. Đề văn lớp 5 mà đưa người lớn viết chắc không ít người phải lắc đầu không biết viết gì. Chính tôi cũng hiếm khi theo dõi cụ thể ca sĩ nào,cũng may là tôi từng có lúc cùng con xem Sơn Tùng hát “Em của ngày hôm qua” , “Lạc trôi” từ dạo dân mạng tung hô dậy sóng một thời. Vậy là tôi hướng dẫn con viết về hình dáng, thần thái, trang phục, giọng hát của ca sĩ. Mẹ gợi ý đến mức viết sẵn vài câu miêu tả nhưng con viết theo ý con nghĩ vì nhớ lời cô dặn “phải tự viết không được chép văn mẫu, không được nhờ bố mẹ làm hộ”. Mừng là con biết tự lập lo làm bài vở không ỷ lại vào mẹ nhưng tôi vẫn thấy có gì đó không ổn. Khi tôi lên Facebook thì mấy cô bạn tôi cũng than thở rất ngán ngẩm phải hướng dẫn con những đề tập làm văn khó nhằn. Bạn tôi kể, tối qua hai mẹ con phải đánh vật để tìm câu tìm ý viết về ca sĩ Tùng Dương mà con biết.
Tôi vẫn khuyến khích con tự suy nghĩ làm văn, viết văn nhưng quả thực có những lúc tôi phải viết hộ con một vài câu khó khi con không thể tự diễn đạt. Ngồi đọc lại những bài văn con tự viết, lời lẽ ngô nghê, ngây thơ, tôi bật cười vì thú vị. Cũng may, con gặp được cô giáo tâm lý luôn khuyến khích học trò viết văn theo suy nghĩ thực của các em nên con không thấy sợ môn học này.
Tôi nghĩ, giá những đề văn quá sức này đừng xuất hiện trong sách giáo khoa thì tốt biết bao. Học sinh tiểu học vẫn là lứa tuổi hiếu động, ham chơi, ham khám phá, các em chỉ biết nghe và thuộc bài hát của các ca sĩ nổi tiếng rất nhanh chứ không hề để tâm quan sát ca sĩ ấy biểu diễn cuốn hút ra sao. Nếu đề văn tả ca sĩ được đổi thành tả về nhân vật truyện tranh, nhân vật phim hoạt hình thì tôi nghĩ các em sẽ hoàn thành bài văn dễ dàng và đầy cảm xúc. Tại sao những đề văn theo kiểu “trên trời rơi xuống” này lại có thể áp dụng cho học sinh tiểu học, chẳng hiểu các em có được mở mang về cảm xúc, hiểu biết, vốn từ hay chỉ là “đánh đố”, học cho đủ bài rồi lãng quên nhanh chóng.
Tác giả: Thanh Mai
Nguồn tin: Báo Dân trí